zalo chat
Đường dây nóng: (Giờ hành chánh) (0251).388.3660
THÔNG ĐIỆP 2K CỦA BỘ Y TẾ                                                                                                 Khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.                                                                                                  Bắt buộc đeo khẩu trang đối với một số đối tượng cụ thể.                                                                                                  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.                                                                                                  Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        BỆNH VIỆN ĐA KHOA THỐNG NHẤT - ĐỒNG NAI CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19.                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Bộ y tế

Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật gây bức xúc trong dư luận

05/07/2023 - 143

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, hiện nay việc các cá nhân kinh doanh thực phẩm, trong đó có thực phẩm bảo vệ sức khỏe vì lợi nhuận đã bất chấp quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ngày 5/7/2023, tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo "Giải pháp triển khai hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới".

Ông Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh , an toàn thực phẩm trong tình hình mới - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội thảo "Triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới". Ảnh: K.V

Hệ thống cơ cấu tổ chức về an toàn thực phẩm chưa thống nhất và đồng bộ

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm đã có những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống cơ cấu tổ chức còn chưa thống nhất và đồng bộ; Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao; Việc kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đạt hiệu quả cao…

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu dẫn chứng cụ thể, hiện nay hệ thống cơ cấu tổ chức về an toàn thực phẩm chưa thống nhất. Ở Trung ương có Cục An toàn thực phẩm, còn ở tỉnh thành thì một số địa phương thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm (gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh); bên cạnh đó một số tỉnh thì lại là Chi cục An toàn thực phẩm, có địa phương thì cơ quan quản lý an toàn thực phẩm là một phòng thuộc Sở Y tế… Do vậy, vấn đề chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương sẽ gặp khó khăn.

Hội thảo triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh , an toàn thực phẩm trong tình hình mới - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: K.V

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, tình trạng ngộ độc thực phẩm được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao. Cụ thể, vừa qua ở TP.HCM xảy ra một loạt vụ ngộ độc botulinum do ngộ độc thực phẩm đường phố, trước đó là vụ ngộ độc thực phẩm ở trường học tại Khánh Hòa khiến một loạt học sinh phải nhập viện...

Điều đó đặt ra vấn đề: Quản lý bệnh truyền nhiễm qua các bếp ăn tập thể từ khâu nuôi trồng, thu hoạch đến bảo quản, vận chuyển, chế biến, sử dụng đã đảm bảo chưa? Đồng thời vấn đề kinh doanh, quảng cáo thực phẩm của những người nổi tiếng trên các trang mạng xã hội, nền tảng xã hội như Facebook, TikTok... còn nhiều tồn tại, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Từ thực tế đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, các đại biểu tham dự hội thảo tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến, đồng thời đánh giá công tác quản lý an toàn thực phẩm, chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm tại Trung ương và địa phương, những thực tiễn bước đầu triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới tại đơn vị.

Sẽ có một đầu mối quản lý thống nhất an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương

Báo cáo tại hội thảo, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết, trong những năm qua, chúng ta đã hình thành được hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn nhiều tồn tại, bất cập. Hiện nay mô hình quản lý an toàn thực phẩm không thống nhất, đa phần địa phương có Chi cục An toàn thực phẩm, 3 tỉnh thành có Ban Quản lý An toàn thực phẩm (TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh), cũng có tỉnh thì cơ quan quản lý an toàn thực phẩm là một phòng thuộc Sở Y tế…

Vấn đề quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe rất tinh vi, phức tạp - Ảnh 3.

Thời gian tới sẽ xây dựng bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương. Ảnh: K.V

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục An toàn thực phẩm đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế và các bộ ngành trình Chính phủ ban hành các kế hoạch của Chính phủ để triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư. Theo đó, nội dung của Chỉ thị 17-CT/TW gồm 6 nội dung cơ bản, trong đó có nội dung đặc biệt quan trọng là giao cho xây dựng một đầu mối thống nhất về an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương. Lộ trình kiện toàn mô hình tổ chức là từ 2023-2025. Hiện mô hình tổ chức mới về quản lý an toàn thực phẩm vẫn chưa được hình thành, chưa rõ tên gọi, việc này Bộ Nội vụ sẽ đề xuất. Tuy nhiên, cơ quan tổ chức mới về quản lý an toàn thực phẩm sẽ phải tập trung đủ cả 3 lực lượng y tế, nông nghiệp, công thương.

"Với Chỉ thị 17-CT/TW này của Ban Bí thư, chúng tôi hy vọng sẽ có một đầu mối quản lý thống nhất an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương, sẽ giải quyết được những vấn đề còn tồn tại và phát huy được những cái đã có", Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nói.

Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm, Nghị định 15 của Chính phủ hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm qua 5 năm thực hiện bộc lộ rất nhiều vấn đề. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh một chỗ nhưng sau thay đổi hoạt động, chuyển địa điểm kinh doanh không có thông báo cho cơ quan quản lý. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, khoảng 80% doanh nghiệp nói chung có hiện tượng đăng ký 1 nơi, kinh doanh 1 nơi.

Tiếp đó, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm ở một số cơ sở sản xuất nhất là cơ sở nhỏ lẻ không bảo đảm, dẫn đến ô nhiễm từ nơi sản xuất vào sản phẩm. Trong khi đó, cả nước có khoảng 200 làng nghề sản xuất nhu yếu phẩm truyền thống, tồn tại hàng trăm năm nay (làng làm mứt, bánh kẹo, bánh cuốn, làng làm bún...), không thể vì vấn đề an toàn thực phẩm mà xóa bỏ toàn bộ những làng nghề này được mà phải định hướng dần dần.

Ông Phong nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc của Luật an toàn thực phẩm là phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của từng thời kỳ. Theo đó, chúng ta không thể áp dụng nguyên mô hình của một quốc gia nào đó như Nhật Bản, Thụy Sĩ sang mô hình của Việt Nam. Bởi lẽ trong Luật an toàn thực phẩm và thực tiễn quản lý cho thấy, mỗi một quốc gia có điều kiện phát triển kinh tế xã hội khác nhau, yêu cầu quản lý khác nhau. Do vậy, chúng ta chỉ có thể học những cái phù hợp với mình.

Cũng theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, hiện nay, sự đa dạng của các hình thức kinh doanh như kinh doanh online, đa cấp, quảng cáo xuyên biên giới... rất khó quản lý. Một bộ phận không nhỏ tổ chức cá nhân kinh doanh thực phẩm trong đó có thực phẩm bảo vệ sức khỏe vì lợi nhuận, bất chấp quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh.

"Hiện nay, việc kinh doanh khác kinh doanh truyền thống ngày trước. Theo đó có kinh doanh online, quảng cáo online. Quảng cáo thực phẩm chức năng sức khỏe rất tinh vi, ví dụ bệnh tiểu đường không bao giờ chữa được vì là bệnh rối loạn chuyển hóa, cao huyết áp cũng không chữa được. Tuy nhiên, có vô số quảng cáo tư vấn lấy cả nghệ sĩ, bác sĩ, dược sĩ, thậm chí cả nhà sư ra quảng cáo thực phẩm như thuốc, có thể chữa khỏi. Bản thân tôi đã phải 3 lần làm việc với đại diện Facebook về vấn đề quảng cáo. Thực sự rất phức tạp...", ông Phong chia sẻ.

Thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ giải quyết được bất cập trên địa bàn

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, sau 6 năm Chính phủ cho phép thí điểm Ban An toàn thực phẩm tại TP.HCM cho thấy, TP.HCM đạt được nhưng kết quả bước đầu quan trọng như tập hợp được nguồn lực, chỉ đạo, điều hành giải quyết các vụ việc nhanh chóng hơn. Tuy nhiên cũng có những bất cập, hạn chế như bất cập về chức năng xử lý về vi phạm hành chính. Theo Luật xử lý vi phạm hành chính không có chức danh trưởng ban - phó ban Quản lý An toàn thực phẩm do đó khi xử phạt vi phạm gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn lực về nhân lực, vật lực, tài lực tập trung chưa ổn định nên còn nhiều khó khăn.

"Vừa rồi, chúng tôi được biết, Quốc hội và Chính phủ đã cho phép sớm thành lập Sở An toàn thực phẩm theo đặc thù của TP.HCM. Chúng tôi hy vọng rằng việc thành lập này sẽ giải quyết được những bất cập trên địa bàn", Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nói.

Trước đó, ngày 3/7/2023, ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết, đề án thành lập Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM đã xong, lấy ý kiến các bộ ngành đầy đủ và nhận được sự ủng hộ. Tuy nhiên, tại thời điểm lấy ý kiến, Quốc hội chưa ban hành Nghị quyết 98. Do vậy, Sở Nội vụ sẽ hoàn thiện lại đề án trên cơ sở Nghị quyết 98 để trình HĐND TP.HCM xem xét thông qua tại kỳ họp chuyên đề, dự kiến tổ chức vào tháng 9/2023./.

Theo: Suckhoedoisong.vn




Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT

× Thành công! Câu hỏi của bạn đã được tiếp nhận. Cảm ơn quý vị đã gửi tin nhắn, vì tính chất công việc, câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.