Sáng ngày 01/9/2020 tại trụ sở Bộ Y tế, GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Ban điều phối quốc gia Quỹ toàn cầu Việt Nam (CCM Việt Nam); Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ.
GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với Ban điều phối quốc gia quỹ toàn cầu Việt Nam
Về phía CCM Việt Nam có PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, Chủ tịch CCM Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; Ông Troger Mark, Điều phối viên chương trình PEPFAR, Đại sứ quán Mỹ; Bà Marie Odile, Trưởng Đại diện UNAIDS Việt Nam; và các thành viên liên quan.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện CCM Việt Nam cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ cũng như hướng dẫn của Quỹ Toàn cầu về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của CCM, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ ngành và 04 Đơn vị nhận tài trợ chính (PR Lao, Sốt rét, HIV/AIDS và VUSTA) đã kiện toàn CCM Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2022. Về kết quả hoạt động của các dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, Lao Và Sốt rét tại Việt Nam:
CCM Việt Nam phê duyệt viện trợ cho Việt Nam giai đoạn 2018-2020 cho 03 lĩnh vực HIV/AIDS, Lao và Sốt rét với tổng kinh phí là 136,492,570 USD, cụ thể như sau: viện trợ cho dự án HIV/AIDS là 55,307,476 USD; viện trợ cho chương trình phòng chống Lao là 51,128, 399 USD, viện trợ cho chương trình phòng chống sốt rét là 28,541,512. Đến nay, tỷ lệ giải ngân là 42,450 triệu USD (tương đương với 76,7%) đối với dự án HIV/AIDS, 44,869,601 USD (tương đương với 87,8%) đối với dự án Lao và 50% đối với dự án Sốt rét.
Về Dự án Viện trợ của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét giai đoạn 2021-2023:
CCM Việt Nam đã cam kết viện trợ cho Việt Nam giai đoạn 2021-2023 cho 03 lĩnh vực HIV/AIDS, Lao và Sốt rét với tổng kinh phí xấp xỉ 131 triệu USD, trong đó gần 55 triệu USD cho Dự án Phòng chống HIV và 60 triệu USD cho Dự án Phòng chống Lao và 16 triệu USD cho Dự án Phòng chống Sốt rét. CCM Việt Nam đã thông qua và đệ trình bản Đề xuất của các dự án trên theo đúng quy định của Quỹ Toàn cầu. Dự kiến Quỹ Toàn cầu sẽ tiến hành phê duyệt chính thức và tiến hành thủ tục ký kết hiệp định trong tháng 10 năm 2020.
Trong bối cảnh đại dịch COVID–19, vào tháng 4 năm 2020 Quỹ Toàn cầu đã thiết lập Cơ chế ứng phó đại dịch COVID–19 (C19RM), trị giá 500 triệu USD để giúp các quốc gia ứng phó với đại dịch COVID–19 trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét. Cơ chế C19RM hỗ trợ tối đa 10% của nguồn cam kết viện trợ cho giai đoạn 2020 – 2022, trong đó Việt Nam có thể đề xuất khoản kinh phí xấp xỉ 4,7 triệu USD và kinh phí bổ sung nếu có (tương đương với khoảng 7,5 triệu USD). Số tiền này là khoản viện trợ bổ sung, không tính vào nguồn viện trợ đã cam kết cho quốc gia giai đoạn 2021-2023. Dự kiến Quỹ Toàn cầu sẽ xem xét phê duyệt đề xuất trước ngày 30/9/2020, khoản viện trợ này phải được giải ngân trước tháng 6 năm 2021.
PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, Chủ tịch CCM Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế báo cáo tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc địa diện CCM Việt Nam, PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, Chủ tịch CCM Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã có một số kiến nghị cụ thể như sau:
Nghị định 56/NĐ-CP về Quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài đã đặt ra những thách thức lớn cho các Ban QLDA trong việc tiến hành các thủ tục phê duyệt dự án theo quy định trong nước, dẫn đến khó giải ngân theo tiến độ mà Quỹ Toàn cầu quy định. Đặc biệt theo Nghị Định 56/NĐ-CP, để khoản viện trợ ứng phó COVID-19 (C19RM) được giải ngân trước 30/6/2021 theo quy định của Quỹ Toàn cầu là rất khó khả thi.
Trên cơ sở đó, CCM Việt Nam xin kính đề nghị đồng chí Quyền Bộ trưởng quan tâm, chỉ đạo các Cục, Vụ liên quan của Bộ Y tế nỗ lực, gấp rút hướng dẫn các Ban QLDA phương án giải quyết linh hoạt và kịp thời.
Năm 2020 là năm cuối cùng của tài khóa giai đoạn viện trợ 2018-2020, vì vậy cần chỉ đạo các ban quản lý dự án (Phòng chống HIV/AIDS, Phòng chống Lao, Phòng chống Sốt rét) đẩy nhanh tiến độ giải ngân để sử dụng tối đa nguồn viện trợ của Quỹ Toàn cầu, tạo cơ sở vững chắc cho việc chuẩn bị tiếp nhận viện trợ cho chu kỳ viện trợ tiếp theo.
Quang cảnh buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đồng ý với các kiến nghị của CCM Việt Nam và nhấn mạnh các Dự án mà CCM Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế sẽ tiếp tục trình Chính phủ theo Nghị định 56/NĐ-CP về Quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu
Về bổ sung Dự án Viện trợ cho bệnh COVID-19 sẽ bổ sung cho chu kỳ đang làm trong giai đoạn 2018-2020. GS.TS. Nguyễn Thanh Long giao bệnh viện Phổi Trung ương và Vụ Kế hoạch tài chính phối hợp với CCM Việt Nam bổ sung hoạt động và vốn kinh phí trình Bộ trưởng đề sớm trình Thủ tướng phê duyệt… Đồng thời, GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cảm ơn CCM Việt Nam và mong rằng trong thời gian tới CCM Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT