Bộ y tế
Quyết liệt hơn trong phòng, chống sốt rét
23/05/2024 - 97
Ngày 22/5/2024, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh 5 tháng đầu năm. Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan làm việc với đoàn.
Nguy cơ bùng phát số ca mắc
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), giai đoạn từ năm 2018 đến 2022, số bệnh nhân mắc sốt rét trên địa bàn tỉnh giảm dần; năm 2018 ghi nhận 125 ca, đến năm 2022 còn 12 ca. Tuy nhiên, năm 2023, số ca mắc tăng cao với 209 trường hợp (tăng 67,2% so với năm 2018), trong đó không có ca tử vong do sốt rét, sốt rét ác tính chỉ rải rác vài ca.
Ông Đinh Văn Thiệu kiến nghị một số nội dung với đoàn công tác của Bộ Y tế.
Số ca mắc sốt rét bắt đầu tăng từ tháng 7-2023 với 50 ca/tháng. Sau đó, nhờ sự can thiệp bằng các giải pháp mạnh mẽ nên có xu hướng giảm dần, đến tháng 12-2023 còn 22 ca/tháng. Các ca mắc chủ yếu ở huyện Khánh Vĩnh với 197 ca, tập trung ở nhóm người dân đi rừng, ngủ rẫy. 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 114 ca, trong đó huyện Khánh Vĩnh chiếm 92,9% (106 ca). Trong số này có 11 ca sốt rét ác tính. “Điều đáng lo ngại, số bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét P.falciparum (loại ký sinh trùng gây sốt rét ác tính) 5 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 60 ca, trong khi cả năm 2023 có 35 ca. Khánh Vĩnh có 11/14 xã, thị trấn có ca mắc sốt rét, trong đó tại 2 xã Khánh Phú và Khánh Đông gần 100% ký sinh trùng sốt rét thể P. falciparum”, bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách CDC cho biết.
Ông Huỳnh Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn cảnh báo: “Trong số ca mắc sốt rét, có khoảng 25% trẻ em từ 5 đến 15 tuổi, có 2 trẻ bị sốt rét ác tính. Đây là con số đáng lo ngại. Chưa kể, đỉnh dịch sốt rét thường rơi vào tháng 5 đến tháng 7 và từ tháng 11 tới tháng 2 năm sau. Vì thế, nếu tỉnh không có giải pháp quyết liệt thì nguy cơ bùng phát số ca mắc sẽ tăng cao trong thời gian tới”.
Nhiều khó khăn
Bác sĩ Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, bên cạnh những giải pháp đã triển khai trước đó, như: Mở rộng điều tra, sàng lọc chủ động, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị tốt cho bệnh nhân mắc sốt rét và xử lý ổ bệnh khi mới phát hiện, đẩy mạnh tuyên truyền…, từ đầu năm đến nay, ngành Y tế đã chủ động triển khai và tiếp tục phối hợp với các đoàn điều tra sốt rét Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn điều tra điểm nóng ở các xã có số ca mắc cao trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh; phối hợp tổ chức mít tinh Ngày Thế giới phòng, chống sốt rét 25-4; phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt rét bảo vệ cho gần 1.730 người; tẩm mùng, màn bảo vệ cho gần 8.150 người… Tuy nhiên, theo bác sĩ Thoan, công tác phòng, chống bệnh sốt rét trên địa bàn Khánh Vĩnh gặp nhiều khó khăn do các nhóm dân nguy cơ cao khi đi vào rừng, rẫy ngủ mang các trang thiết bị bảo hộ để phòng, chống sốt rét chưa đầy đủ; khi về lại không đến các cơ sở y tế để kiểm tra ký sinh trùng sốt rét. Nhóm đi rừng, ngủ rẫy chưa được giám sát hiệu quả do địa bàn rừng núi phức tạp, sự di chuyển của người dân không theo quy luật nào. Ý thức phòng, chống sốt rét của một số người dân còn thấp và chủ quan do những năm gần đây, số ca bệnh giảm. Các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống bệnh chưa đến được các nhóm đi rừng, ngủ rẫy…
Ông Huỳnh Hồng Quang chia sẻ: “Trong đợt viện khảo sát ngẫu nhiên tại 30 nhà trên rẫy ở Khánh Vĩnh thì có đến 17 nhà vách làm bằng bạt, không có chỗ treo màn. Đến tối, trời nóng, người dân vén bạt lên ngủ nên nguy cơ bị muỗi đốt rất cao. Chưa kể, số người lành mang ký sinh trùng sốt rét không có triệu chứng ở cộng đồng còn nhiều, tiềm ẩn trở thành ổ lây bệnh khi bị muỗi đốt”.
Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, ngay khi ca bệnh tăng cao, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực phối hợp với ngành Y tế triển khai các hoạt động can thiệp phòng, chống bệnh sốt rét. Trong đó, huyện tập trung vào đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về diệt muỗi, nằm màn chống muỗi đốt, hướng dẫn người dân khi có sốt hoặc mắc bệnh không tự điều trị tại nhà, không đến các quầy thuốc tây tự mua thuốc mà phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời…; đã làm việc với các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo trong việc phối hợp tuyên truyền. Được sự chỉ đạo của huyện, các xã, thị trấn đều nắm rõ số lượng người dân đi rừng, ngủ rẫy; tổ chức cho người dân ký cam kết trong việc phòng, chống bệnh sốt rét… Tuy nhiên, hiện nay, do chưa có cơ chế để chi hỗ trợ thêm cho cán bộ có lương khi tham gia công tác phòng, chống sốt rét; tiền hỗ trợ cho người dân khi lấy máu tầm soát sốt rét… nên gây khó khăn cho công tác này” - bà Mến nói.
Cần có giải pháp tổng thể
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ, công tác phòng, chống dịch bệnh sốt rét nói riêng, dịch bệnh nói chung không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế mà còn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Để công tác phòng, chống dịch bệnh sốt rét tại tỉnh Khánh Hòa đạt hiệu quả, tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2030 theo lộ trình cả nước, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị UBND tỉnh sớm có kế hoạch tổng thể về công tác phòng, chống dịch sốt rét tại huyện Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung với các giải pháp quyết liệt hơn. Trong đó, phải xây dụng cụ thể từng phần việc, từ công tác chỉ đạo, điều hành đến giám sát, điều trị, dự phòng; phải có sự hỗ trợ, phối hợp từ Trung ương đến địa phương; giao trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương, sở, ngành, đoàn thể, đơn vị..., trong đó phải chỉ rõ những việc địa phương đã làm được và những phần việc cần sự hỗ trợ từ Trung ương. Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu 2 Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Quy Nhơn hỗ trợ Sở Y tế Khánh Hòa xây dựng kế hoạch. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương làm đầu mối kết nối với các viện, tổ chức quốc tế hỗ trợ cho Khánh Hòa thực hiện công tác phòng, chống bệnh sốt rét tại Khánh Vĩnh. UBND tỉnh phải chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phối hợp phòng, chống bệnh sốt rét. Nếu trong vài tháng tới, số ca mắc sốt rét ở Khánh Vĩnh không giảm, Khánh Hòa nên xem xét công bố dịch ở phạm vi hẹp (ở một số xã)...
Ông Đinh Văn Thiệu cho biết, thời gian qua, tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn về nhân lực, vật lực từ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương trong công tác phòng, chống bệnh sốt rét ở Khánh Hòa. Tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Y tế sớm xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch bệnh sốt rét trên địa bàn theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Ông đề nghị Bộ Y tế, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Quy Nhơn tiếp tục hỗ trợ tỉnh về thiết bị, thuốc, kỹ thuật chuyên sâu trong công tác phòng, chống bệnh sốt rét để tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2030 theo lộ trình cả nước./.
Nguồn: baokhanhhoa.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT