Bộ y tế
Rà soát, sửa đổi các luật và quy định của ngành Dược giúp tăng cường tiếp cận y tế chất lượng cao cho người dân
25/09/2024 - 87
Ngày 25/9/2024, Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo với chủ đề: “Đổi mới sáng tạo - Liều thuốc phát triển bền vững ngành Y-Dược”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dự và phát biểu tại hội thảo. Tham gia hội thảo có PGS.TS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; EuroCham; các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức quốc tế, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y, dược cùng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, năm 2024 là năm then chốt đối với việc rà soát, sửa đổi các Luật và quy định quan trọng định hình hoạt động của ngành Y Dược trong giai đoạn tới, giải quyết các thách thức mà hệ thống y tế đang đối mặt, nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đầu tư hệ thống y tế bền vững, đổi mới sáng tạo như: Luật Khám chữa bệnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược,...trong đó phải nói đến Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược 2016.
Những năm gần đây, cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Dược Việt Nam đã và đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ. Ngành Dược Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thêm, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 376/QĐ-TTg về Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước giai đoạn 2030-2045 với quan điểm phát triển: Thu hút đầu tư nước ngoài để sản xuất, thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự....
Ngày 09/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1165/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra các mục tiêu: “Phát triển ngành dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN, phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của WHO...”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và để đón đầu nhiều cơ hội phát triển trong tương lai và sẵn sàng đón nhận, thu hút đầu tư từ các ngành công nghiệp dược hiện đại trên thế giới theo đúng định hướng và mục tiêu của ngành Dược, Bộ Y tế đang rà soát, sửa đổi Luật Dược để trình Quốc hội xem xét với định hướng thu hút đầu tư phát triển các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên, thuốc công nghệ cao, vắc xin và sinh phẩm, thuốc là sản phẩm từ máu và huyết tương,...của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam nhằm chủ động, phát triển bền vững sản xuất trong nước đồng thời thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu đến các thị trường tiên tiến.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các diễn giả tham gia tọa đàm tại hội thảo.
Nói về tầm quan trọng của công tác đổi mới sáng tạo trong ngành Y Dược, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho rằng, theo Tổ chức Y tế Thế giới, đổi mới về chăm sóc sức khỏe đang tăng tốc ở quy mô chưa từng có, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Những tiến bộ công nghệ như trí tuệ nhân tạo và chỉnh sửa gen, thực tế ảo… đang làm thay đổi cách phát hiện và điều trị bệnh, thay đổi ngành chăm sóc sức khỏe toàn cầu.
Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu tại hội thảo.
Tại Việt Nam, đổi mới sáng tạo trong ngành Y tế đã và đang giúp cải thiện đáng kể sức khỏe và chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam, tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong nghiên cứu y học và sản xuất dược phẩm.
Riêng trong lĩnh vực dược phẩm, một trong những ngành phát triển thần tốc, mạnh mẽ nhất và trở thành động lực chính thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế thế giới;
Mục tiêu tiếp theo là đưa dược phẩm Việt Nam có giá trị thị trường trong top 3 tại ASEAN, góp phần bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý; trở thành trung tâm dược phẩm giá trị cao trong khu vực vào năm 2030 và đến năm 2045, tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.
Không thể phủ nhận thực tế rằng thời gian qua, ngành Y Dược Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với động lực then chốt là đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và chuyển đổi số, góp phần giải quyết những thách thức mà hệ thống y tế đang đối mặt, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành, cũng như nâng tầm năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các thị trường mới nổi khác.
Song để đổi mới sáng tạo thực sự là liều thuốc phát triển bền vững ngành Y Dược vẫn đòi hỏi việc giải quyết tổng hòa rất nhiều nhiệm vụ cụ thể, từ việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong phòng bệnh, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, thiết bị y tế có chất lượng cao, đến hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về y tế trên cơ sở bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh và kịp thời điều chỉnh quy định của pháp luật có liên quan.
Để làm được điều này một cách hiệu quả, theo Tổng biên tập Báo Đầu tư, những xu hướng lớn trên thế giới rất cần được nhận diện và cập nhật kịp thời, những bài học kinh nghiệm hay từ thực tiễn các quốc gia đi trước rất cần được tham khảo, và những ý kiến chuyên môn sâu sắc từ các bên liên quan sẽ hết sức hữu ích, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang ở thời điểm rất quan trọng quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý để ngành Y Dược bước vào giai đoạn phát triển mới.
Toàn cảnh hội thảo.
Hội thảo tạo diễn đàn mở trao đổi về những giải pháp, động lực cho đổi mới sáng tạo ngành Y Dược trong giai đoạn mới giúp phát triển bền vững ngành Y tế và tăng cường tiếp cận y tế chất lượng cao cho người dân.
Hội thảo cũng đưa ra những góc nhìn phân tích khách quan về thực trạng đổi mới sáng tạo ngành Y, Dược Việt Nam; các xu hướng phát triển mới trong khu vực và trên thế giới; tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển bền vững ngành Y Dược trong giai đoạn mới, những động lực mới, vai trò của các bên liên quan, cũng như những bài học kinh nghiệm từ các nước…/.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT