Tham dự buổi lễ có ông Đỗ Xuân Tuyên- Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Văn Toàn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, ông Đỗ Thái Vương - Phó Chủ tịch phát triển bền vững và truyền thông đối ngoại Quỹ Unilever Việt Nam và 600 đại biểu đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương, địa phương, các em học sinh trường Mầm non Sơn Ca, trường Lê Văn Tám…
Buổi mít tinh được tổ chức nhằm tăng cường nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc rửa tay với xà phòng đúng cách, cũng như khuyến cáo duy trì thói quen vệ sinh này vào 10 thời điểm chủ chốt để phòng chống dịch bệnh, ngay cả trong bối cảnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Theo thống kê của Bộ Y tế: gần một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao (trên 100.000 dân) như: cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ, quai bị, thuỷ đậu… là những bệnh liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường. Kết quả nghiên cứu của giới y học cho thấy: rửa tay với xà phòng ở các thời điểm quan trọng như trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh có thể ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh. Rửa tay với xà phòng cũng làm giảm tới gần 50% trường hợp mắc tiêu chảy, hơn 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp và giảm 15% trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi. Rửa tay với xà phòng cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, cúm….
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: các cấp ủy đảng, chính quyền, các Bộ, ban ngành, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức, các đơn vị, trường học, cơ sở y tế cần triển khai các nội dung sau: Xây dựng và ban hành các chính sách, quy định, hướng dẫn về xây dựng, bảo quản các công trình, điểm rửa tay với xà phòng đảm bảo mọi người được tiếp cận và dễ dàng sử dụng, phù hợp cho từng đối tượng khác nhau; Đảm bảo tất cả các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, cơ sở y tế, trường học, những nơi công cộng có các công trình, điểm rửa tay có đủ nước sạch, xà phòng, dễ dàng tiếp cận để sử dụng và phù hợp với mọi đối tượng, đặc biệt người già, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc; Đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú... Đẩy mạnh giáo dục về vệ sinh tay trong các trường học nhằm tạo thói quen rửa tay với xà phòng cho các em học sinh ngay từ nhỏ; Tăng cường nghiên cứu và áp dụng phương pháp tiếp cận thay đổi hành vi dựa trên bằng chứng nhằm khuyến khích hình thành thói quen vệ sinh tay một cách bền vững.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ
Ông Nguyễn Văn Toàn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cũng cho biết Hòa Bình là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, với một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa thì việc thay đổi nhận thức, thói quen và hành vi là điều không dễ dàng đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp các ngành mà tiên phong là ngành y tế. Tỉnh Hòa Bình đang làm tốt công tác phòng dịch COVID-19 và chúng ta cần phải tích cực duy trì các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có tuyên truyền người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc sát khuẩn tay bằng chế phẩm vệ sinh tay chứa cồn.
Với thông điệp “Rửa tay với xà phòng vì sức khỏe của bạn và cộng đồng” nhằm khẳng định tầm quan trọng của công tác vệ sinh cá nhân, lợi ích của việc rửa tay sạch, đúng cách với xà phòng, đặc biệt, nhấn mạnh tầm quan trọng và kêu gọi “Duy trì thói quen rửa tay xà phòng đúng 10 thời điểm - Phát huy lá chắn phòng chống dịch bệnh” để góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng trước những dịch bệnh lây qua việc bàn tay đụng chạm vào các vật trung gian chứa vi khuẩn, virus gây bệnh nhưng không được rửa sạch bằng xà phòng.
Rửa tay đúng cách gồm 6 bước với xà phòng và nước sạch hoặc sử dụng chế phẩm vệ sinh tay chứa cồn trong vòng 30 giây để phát huy tối đa hiệu quả diệt khuẩn đã được Bộ Y tế phối hợp với Unilever – Lifebuoy đưa vào rất nhiều ấn phẩm truyền thông đại chúng như áp phích, video, điệu nhảy để tuyên truyền sâu rộng cho các đối tượng khác nhau trên cả nước. Danh sách 10 thời điểm quan trọng cần rửa tay với xà phòng được Cục Quản lý môi trường Y tế - Bộ Y tế khuyến nghị bao gồm: Sau khi ho/hắt hơi; Trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thực phẩm; Sau khi đi làm về/từ bên ngoài trở về nhà; Sau khi tiếp xúc/chăm sóc người bệnh; Sau khi đi vệ sinh; Sau khi vệ sinh cho trẻ nhỏ; Sau khi mua sắm/cầm tiền; Sau khi tiếp xúc vật nuôi; Trước khi đi vào lớp học; Bất cứ khi nào tay bẩn.
Những thông điệp sáng tạo giúp các em dễ hình thành thói quen vệ sinh đúng lúc, đúng cách
Đặc biệt, để thông điệp truyền tải trở nên sáng tạo và dễ dàng tiếp cận với nhiều lứa tuổi (đặc biệt là trẻ em), nội dung 10 thời điểm quan trọng cần rửa tay đã được lồng ghép khéo léo vào câu chuyện cổ tích dân gian, truyền thuyết Việt Nam, hình tượng hóa thành bộ tranh… Dự kiến bộ tranh này cũng sẽ được sử dụng xuyên suốt chuỗi hoạt động tuyên truyền sắp tới như phát hành ấn phẩm tranh ảnh giáo dục cho trẻ, chuyển thể thành kịch thiếu nhi để thông điệp được lan tỏa mạnh mẽ hơn đến cộng đồng…
Kết thúc buổi mít tinh, các đại biểu khách mời đã thực hiện nghi thức cam kết và thực hành rửa tay để truyền đi thông điệp việc rửa tay với xà phòng không phải là lựa chọn, mà là trách nhiệm với gia đình và cộng đồng “Vì một Việt Nam khỏe mạnh”.
Nguồn: suckhoedoisong.vn