Bộ y tế
Sẽ không để TP.HCM thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
23/06/2023 - 146
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để các cơ sở y tế chủ động hơn trong việc điều phối, sử dụng thuốc.
Ngoài công tác phòng chống lây nhiễm, phân luồng, phân loại, để triển khai cấp cứu, chữa bệnh kịp thời thì bệnh viện cũng phải đảm bảo có đầy đủ trang thiết bị, hỗ trợ bệnh nhân chuyển viện từ tuyến dưới ở các địa phương khác lên, đảm bảo cứu được những bệnh nhân có biến chứng nặng.
Gia tăng bệnh nhi tay chân miệng thể nặng
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện các bệnh viện tuyến cuối của thành phố như 3 bệnh viện nhi và Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM gần đây tiếp nhận các ca bệnh nặng tăng.
Điều đáng lo ngại là nguồn cung ứng một số thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng nặng (như Immunoglobulin, Phenobarbital tiêm truyền) gặp khó khăn do nguồn cung khan hiếm toàn cầu. Đầu tháng 6, Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc và hiện đã có một số thuốc đang chờ kiểm nghiệm, dự kiến trong thời gian tới thành phố sẽ có khoảng 4.000 lọ Immunoglobulin để phân phối đến các bệnh viện.
Trước mắt, Sở Y tế TP.HCM đã thành lập hội đồng chuyên môn của ngành Y tế thành phố để có điều phối phù hợp.
Bệnh tay chân miệng tăng mạnh ở TP.HCM, trong đó hầu hết bệnh nhân đều đến từ các tỉnh lân cận.
"Trong bối cảnh nếu Immunoglobulin bị hạn chế thì dựa vào ý kiến chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành thành phố sẽ siết chặt hơn các giai đoạn điều trị", ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
Cũng theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, bệnh tay chân miệng thường diễn biến chuyển nặng rất nhanh, nên việc nhận biết các dấu hiệu bệnh, kịp thời điều trị sớm là rất quan trọng.
Tương tự, TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho biết số bệnh nhân tay chân miệng nặng chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ và đã có 4 ca tử vong đều từ các tỉnh chuyển đến.
Cần dự trù được nhu cầu để đặt thuốc điều trị
Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, sau đợt dịch COVID-19 khiến nguồn nguyên liệu (huyết tương) giảm mạnh. Hiện Bộ Y tế đã cấp phép hơn 20.000 loại thuốc, những loại thuốc nào trên thế giới có thì gần như chúng ta đã có hết.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra thực tế phòng bệnh tại TP.HCM.
Cũng theo ông Lâm, hiện nay một số loại thuốc điều trị bệnh tay chân miệng phụ thuộc vào nguồn sinh phẩm, vùng nguyên liệu cũng như yêu cầu ngặt nghèo trong quá trình sản xuất nên chúng ta phải dự tính được nhu cầu trước để có thể đặt hàng.
Ông kiến nghị Sở Y tế TP.HCM và các cơ sở khám chữa bệnh có thể dự báo được nhu cầu sử dụng các loại thuốc, để phối hợp với các đơn vị cung ứng, sắp xếp nhập thuốc theo số lượng phù hợp.
Sắp tới Bộ Y tế sẽ xây dựng cơ chế về dược để quản lý và sử dụng tốt hơn để không xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu thuốc trong điều trị.
Lắng nghe ý kiến của các cơ sở y tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp và yêu cầu ngành y tế địa phương cần phải có những hướng dẫn, cập nhật kịp thời trong việc khám, chữa bệnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao công tác điều trị, dự trữ thuốc điều trị bệnh nặng, hỗ trợ tuyến dưới của các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM. Các bệnh viện cần dự kiến nhu cầu các thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh mới nổi để ngành y tế địa phương kết nối các nhà cung ứng để chủ động kế hoạch nhập khẩu.
Các cơ sở y tế cần phải cập nhật tình trạng thuốc hiện tại, Cục Quản lý Dược và Bộ Y tế sẽ có những hướng dẫn cụ thể, trước mắt có thể dùng những thuốc thay thế khác.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn yêu cầu tất cả các Sở Y tế đề xuất dự kiến nhu cầu sử dụng thuốc. Việc dự kiến sẽ giúp các nhà sản xuất, các đơn vị nhập khẩu thuốc có cơ sở để nhập trước lượng thuốc phù hợp, tránh tình xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu./.
Theo: Suckhoedoisong.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT