zalo chat
Đường dây nóng: (Giờ hành chánh) (0251).388.3660
THÔNG ĐIỆP 2K CỦA BỘ Y TẾ                                                                                                 Khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.                                                                                                  Bắt buộc đeo khẩu trang đối với một số đối tượng cụ thể.                                                                                                  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.                                                                                                  Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        BỆNH VIỆN ĐA KHOA THỐNG NHẤT - ĐỒNG NAI CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19.                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Bộ y tế

Tăng cường năng lực kiểm soát bệnh không lây nhiễm sau đại dịch

13/07/2024 - 158

Ngày 11/7/2024, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế Thái Bình tổ chức hội nghị tăng cường năng lực kiểm soát bệnh không lây nhiễm (KLN) sau đại dịch.

 

Tham dự hội nghị có PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế; Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình;  đồng chí Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam; đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật của 28 tỉnh phía Bắc, một số tỉnh miền Trung và miền Nam.

PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi các bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp thì nước ta cũng phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Theo ước tính năm 2019, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng gánh nặng bệnh tật và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chiếm tới 80% tổng số ca tử vong do mọi nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do các bệnh như tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính; khoảng 17 triệu người bị tăng huyết áp, khoảng 4,5 triệu người mắc đái tháo đường, mỗi năm có khoảng 180.000 ca mắc mới ung thư và những căn bệnh này đã gây ra gánh nặng bệnh tật rất lớn...

Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm vẫn đang ở mức cao và một số có chiều hướng gia tăng. Theo kết quả điều tra năm 2021: tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao, chiếm 41,1%; hiện có tới gần một phần ba nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại; hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây và người dân ăn muối nhiều gần gấp hai lần so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới; khoảng 1/4 dân số hiện nay thiếu hoạt động thể lực và tỷ lệ thừa cân béo phì tăng trung bình 1%/năm, chiếm tỷ lệ 19,5% dân số trưởng thành trong năm 2021.

Các bệnh không lây nhiễm được coi như “kẻ sát thủ thầm lặng” vẫn luôn đặt ra những thách thức đối với sức khỏe cộng đồng do tỷ lệ mắc và tử vong rất cao và những hậu quả, di chứng nặng nề. Trong khi đó tỷ lệ người mắc bệnh được phát hiện sớm và quản lý điều trị ở cộng đồng còn thấp. Ước tính mới chỉ phát hiện được dưới 50% số người mắc tăng huyết áp, đái tháo đường và mới điều trị được dưới 30% số người mắc bệnh.

 “Việc tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị liên tục, lâu dài và phát triển hệ thống giám sát  bệnh không lây nhiễm là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống y tế.”- Thứ trưởng phát biểu.

Toàn cảnh hội nghị.

Để ứng phó, giải quyết các bệnh không lây nhiễm, trong thời gian qua Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, triển khai các chương trình, kế hoạch hiệu quả.

Về kiểm soát yếu tố nguy cơ, Việt Nam đã ban hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách, chương trình hiệu quả để bảo đảm dinh dưỡng và tăng cường hoạt động thể lực, nâng cao sức khỏe cho người dân.

Trong lĩnh vực phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng,. chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025; kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025. Ngày 13/6/2024 vừa qua, Bộ Y tế ban hành Quyết định 1651/QĐ-BYT phê duyệt Đề án dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽ mạn tính, hen phế quản và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2024 - 2025.

Tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các đại biểu tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Các Vụ, Cục chức năng và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế cần tổ chức rà soát, xây dựng, trình ban hành và hướng dẫn, tổ chức triển khai các quy định, chính sách trong lĩnh vực phòng, chống các yếu tố nguy cơ; các chương trình, kế hoạch và đề án trong lĩnh vực phòng, chống bệnh không lây nhiễm; rà soát, nghiên cứu ban hành những quy định, hướng dẫn phù hợp để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính, bảo hiểm y tế, cung ứng thuốc, trang thiết bị, dịch vụ kỹ thuật và phát triển nhân lực để bảo đảm các điều kiện cho triển khai các hoạt động dự phòng, phát hiện và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm;

Sở Y tế chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, bảo đảm kinh phí cho các hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại địa phương, đặc biệt là kinh phí cho hoạt động sàng lọc và dự phòng bệnh. Tập trung đẩy mạnh triển khai các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, bảo đảm nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, cung ứng đầy đủ thuốc thiết yếu, trang thiết bị, dịch vụ kỹ thuật để triển khai hiệu quả hoạt động dự phòng, sàng lọc phát hiện sớm, quản lý điều trị và chăm sóc người bệnh không lây nhiễm, đặc biệt tại y tế cơ sở và tại cộng đồng;

 Cục Y tế dự phòng phối hợp với các Viện, các đơn vị liên quan và các địa phương để tổ chức triển khai hiệu quả hệ thống giám sát, thu thập, quản lý thông tin về bệnh không lây nhiễm để theo dõi, đánh giá mô hình, xu hướng bệnh tật, đánh giá kết quả can thiệp làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách và các biện pháp đáp ứng hiệu quả.

Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND Thái Bình phát biểu.Ảnh Báo Thái Bình

Tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND Thái Bình cho biết: tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị y tế nâng cao chất lượng, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của hội nghị tăng cường năng lực kiểm soát bệnh KLN sau đại dịch, UBND tỉnh thống nhất cao, đồng hành cùng ngành Y tế thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bệnh KLN; đồng thời mong muốn tỉnh Thái Bình tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và sự phối hợp của ngành Y tế các tỉnh để đưa ngành y tế Thái Bình ngày càng phát triển.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được thông tin về thực trạng hoạt động của trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh, thành phố năm 2020 - 2021 và sau đại dịch; định hướng phát triển, nâng cao năng lực trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh, thành phố sau đại dịch; gánh nặng và định hướng trong kiểm soát bệnh KLN; tiếp cận y tế công cộng trong quản lý điều trị bệnh KLN, thực trạng triển khai; dinh dưỡng và các bệnh KLN. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai sàng lọc, quản lý điều trị bệnh KLN tại Thái Bình, Quảng Bình, Cần Thơ…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND Thái Bình cùng các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại hội nghị.

Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương , Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Bình./.




Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT

× Thành công! Câu hỏi của bạn đã được tiếp nhận. Cảm ơn quý vị đã gửi tin nhắn, vì tính chất công việc, câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.