Bộ y tế
Tăng cường sàng lọc, chẩn đoán và điều trị viêm gan B,C tại tuyến y tế cơ sở
14/11/2024 - 24
Ngày 13/11/2024 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo quốc tế chia sẻ kết quả ban đầu triển khai mô hình chăm sóc và điều trị viêm gan vi rút tại tuyến y tế cơ sở. GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại hội thảo.
Tham dự hội thảo có ngài Marc Evans Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; GS. David Golan, Hiệu trưởng Trường Y Harvard; Bà Janet Dorling, Phó Chủ tịch cấp cao Quỹ Gilead Sciences; đại diện các Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, cán bộ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế liên quan.
Hội thảo nhằm thảo luận sâu hơn về thành công của Dự án “Tăng cường sàng lọc, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị viêm gan tại tuyến y tế cơ sở” được thực hiện bởi Chương trình hợp tác phát triển Y tế Việt Nam thuộc Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess - Trường Y Harvard, phối hợp Sở Y tế Thái Bình và Phú Thọ với Quỹ Gilead Sciences.
Dự án tập trung vào việc tăng cường sàng lọc, chẩn đoán và điều trị viêm gan virus tại tuyến y tế cơ sở ở Việt Nam.
Dự án hướng tới việc xây dựng, thử nghiệm và mở rộng mô hình chăm sóc viêm gan tại y tế cơ sở theo các quy định hiện hành của Việt Nam và giúp Việt Nam đạt được mục tiêu loại trừ viêm gan như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do các biến chứng của viêm gan vi rút. Trong đó vi rút viêm gan B và C lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Vi rút viêm gan B (HBV) và vi rút viêm gan C (HCV) thường gây bệnh mạn tính và có các biến chứng xơ gan, ung thư gan gây tử vong cao.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 254 triệu người đang sống chung với viêm gan B và đối với viêm gan C là 50 triệu người trên toàn thế giới; mỗi ngày chúng ta phải chứng kiến 6000 người nhiễm mới và 3500 người tử vong, con số đáng báo động này vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Việt Nam là một trong 10 quốc gia có số người nhiễm viêm gan B và C cao nhất trên thế giới; với khoảng 6,5 triệu người nhiễm viêm gan B và 900.000 người nhiễm viêm gan C.
Bệnh viêm gan vi rút B có thể phòng ngừa được nếu sử dụng vắc xin sớm và đúng quy định. Với viêm gan vi rút C, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng với các phác đồ điều trị hiện có, bệnh viêm gan C có thể được chữa khỏi hoàn toàn.
Các đại biểu trao đổi về các biện pháp loại trừ viêm gan virus tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm: thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế xây dựng, triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống viêm gan vi rút tại Việt Nam; giảm lây truyền vi rút viêm gan, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do viêm gan vi rút; tiến tới loại trừ để viêm gan vi rút không còn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.
Theo đó, Bộ Y tế đã thực hiện như: Xây dựng và ban hành các Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015-2020 và 2021-2025; các Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị vi rút viêm gan B,C; triển khai giám sát trọng điểm viêm gan cấp, mạn và ung thư gan; giám sát huyết thanh học vi rút viêm gan; đánh giá thực trạng hoạt động phòng, chống viêm gan; ước tính gánh nặng bệnh tật do vi rút viêm gan B,C…Đồng thời, Bộ Y tế cũng triển khai hợp tác đa ngành với các tổ chức quốc tế để thử nghiệm các mô hình phòng, chống viêm gan vi rút tại một số địa phương.
Với những nỗ lực trên, công tác phòng, chống viêm gan vi rút nói chung và viêm gan B, C đã đạt được những kết quả tích cực về dự phòng lây nhiễm vi rút viêm gan; tiếp cận chẩn đoán, điều trị; truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và tăng cường sự tham gia của chính quyền địa phương, các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội; thiết lập hệ thống giám sát quốc gia; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, cung cấp thông tin, bằng chứng cho xây dựng chính sách về chương trình phòng chống viêm gan vi rút…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống viêm gan B,C tại Việt Nam vẫn còn những thách thức, hạn chế nhất định, cần tập trung giải quyết triệt để trong thời gian tới như: Sự quan tâm, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương chưa tương xứng với gánh nặng bệnh tật; hạn chế về nguồn lực triển khai (nhân lực, kinh phí…); các vấn đề về chuyên môn, kỹ thuật (thông tin, dữ liệu; tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin viêm gan B; năng lực xét nghiệm chẩn đoán, sàng lọc); kết nối điều trị sau sàng lọc; tiếp cận điều trị; công tác truyền thông chưa bảo đảm yêu cầu….
“Như chúng ta đã biết Việt Nam đã cam kết với các mục tiêu y tế toàn cầu, như bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và loại trừ viêm gan vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng này đòi hỏi phải có sự hợp tác đa ngành.”- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các đơn vị chuyên môn, các địa phương, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia tập trung phân tích, đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống viêm gan virus B, C thời gian qua; các tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm, nguyên nhân rút ra để có những giải pháp thiết thực, cụ thể cho giai đoạn 2025-2030 để từng bước hiện thực hóa cam kết của Việt Nam trong việc loại trừ viêm gan virus.
Đồng thời, đánh giá những kết quả đạt được của mô hình phòng, chống viêm gan virus tại tuyến cơ sở và vai trò tham gia của các bên liên quan; qua đó có thể xem xét nhân rộng mô hình tại các địa phương khác trên cả nước.
“Tôi đề nghị đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Y tế, các địa phương, tổ chức quốc tế quyết tâm, chung tay cùng Bộ Y tế trong việc xây dựng và triển khai chính sách, hoạt động chuyên môn trong phòng, chống viêm gan vi rút B, C. Đặc biệt, đề nghị Đại học Y Harvard thông qua Tổ chức Hợp tác Phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) và Quỹ Gilead Sciences tiếp tục quan tâm, ủng hộ về nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật để giúp nhân rộng mô hình thêm một số tỉnh trong thời gian sắp tới.”- Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị.
Ngài Marc Evans Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu.
Phát biểu tại hội thảo, ngài Marc Evans Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ: “Vì hợp tác y tế là trụ cột chính của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam, Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ các mục tiêu của ngành Y tế Việt Nam, bao gồm các mục tiêu của Trung ương về tăng cường chăm sóc sức khỏe cơ sở”.
GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; ngài Marc Evans Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe và thảo luận một số nội dung như: Tình hình viêm gan vi rút trên thế giới và tại Việt Nam; tổng quan về mô hình chăm sóc và điều trị viêm gan tại tuyến cơ sở: kết quả ban đầu và bài học kinh nghiệm; hiện thực hóa cam kết của Việt Nam trong việc loại trừ viêm gan vi rút vào năm 2023; Tham luận từ các tỉnh/thành phố trong việc bày tỏ quan tâm nhằm giảm gánh nặng viêm gan B, C thông qua hoạt động tại tuyến cơ sở./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT