zalo chat
Đường dây nóng: (Giờ hành chánh) (0251).388.3660
THÔNG ĐIỆP 2K CỦA BỘ Y TẾ                                                                                                 Khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.                                                                                                  Bắt buộc đeo khẩu trang đối với một số đối tượng cụ thể.                                                                                                  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.                                                                                                  Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        BỆNH VIỆN ĐA KHOA THỐNG NHẤT - ĐỒNG NAI CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19.                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Bộ y tế

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 12 về y tế và kinh tế

26/08/2022 - 185

Được sự phân công của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 12 về y tế và kinh tế (HLM12) từ ngày 25/8 – 26/8/2022 tại Bangkok, Thái Lan.

Cuộc họp là diễn đàn liên Chính phủ cấp Bộ trưởng được tổ chức

hàng năm nhằm tăng cường hợp tác, phối hợp hành động; trao đổi, chia sẻ bài học kinh nghiệm, phương pháp tiếp cận mới nhằn giải quyết các mối đe dọa sức khỏe xuyên biên giới giữa các nền kinh tế thành viên APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương).       Hội nghị cấp cao APEC về y tế và kinh tế lần thứ 12 được Thái Lan đăng cai tổ chức với chủ đề “Mở rộng quan hệ đối tác - Kết nối với thế giới - Cân bằng giữa sức khỏe và kinh tế” với sự tham gia của 21 các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Y tế từ 15 nền kinh tế tham dự trực tiếp và 6 nền kinh tế tham dự trực tuyến…

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội nghị  Cấp cao APEC lần thứ 12 về Y tế và Kinh tế

Phiên thảo luận, hội nghị đã thảo luận và trao đổi các giải pháp thích ứng và phục hồi sau đại dịch COVID-19. Đại dịch COVID -19 đã ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và kinh tế của khu vực và toàn cầu, đã có hơn 7 triệu người tử vong, nền kinh tế thiệt hại gần 8,5 nghìn tỷ đô la Mỹ trong 2 năm tới dự kiến ít nhất 30 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo, cùng cực. Theo báo cáo năm 2020 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), việc phát triển kinh tế đạt được mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030 là điều khó đạt được.

Tại phiên thảo luận bàn tròn với chủ đề “Đầu tư cho an ninh y tế toàn cầu để chuẩn bị tốt hơn cho các đại dịch trong tương lai”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã có bài tham luận, chia sẻ về kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID 19 của Việt Nam, trong đó nêu rõ:

Trong gần 3 năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng có trong tiền lệ, đến nền kinh tế và y tế của tất cả các quốc gia trên thế giới với những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tạo thách thức cho các Chính phủ trước các áp lực lạm phát, nợ xấu, nợ công và đảm bảo an sinh xã hội ở hầu hết các quốc gia.

Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, duy trì được tốc độ tăng trưởng dương. Với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả, dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát trên phạm vi cả nước, các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch. Kinh tế vĩ mô ổn định; đảm bảo các cân đối lớn; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Ngay khi dịch bệnh mới xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế Việt Nam đã nhanh chóng, kịp thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khoanh vùng, khống chế, xử lý ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh ngoại giao vắc xin, thành lập quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19, tích cực đẩy mạnh nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất vắc xin, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin trong nước và phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay.

Quốc hội và Chính phủ cũng đã ban hành các nghị quyết để đảm bảo an ninh y tế, an sinh xã hội bao gồm các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và đầu tư cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các mục tiêu mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh. Ngoài việc huy động nguồn nội lực, Việt Nam cũng đã tiếp cận, huy động và nhận được sự hỗ trợ của nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới trong suốt quá trình phòng, chống dịch, từ việc hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, trang thiết bị, vật tư, vắc xin, đầu tư cho hệ thống y tế bao gồm cả dự phòng và điều trị, nâng cao năng lực, chú trọng đầu tư cho tuyến y tế cơ sở để có thể dự phòng dịch bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở góp phần đảm bảo an ninh y tế và an sinh xã hội.

Việt Nam cũng đã đáp lại lời kêu gọi cũng như chủ động hỗ trợ các quốc gia gặp khó khăn trong ứng phó với đại dịch và phục hồi kinh tế.

Tuyên bố của Chủ tịch Cuộc họp Cấp cao APEC về kinh tế và Y tế lần thứ 12 được các nền kinh tế thảo luận và ủng hộ. Bản tuyên bố này sẽ được báo cáo tại hội nghị các nhà lãnh đạo APEC vào tháng 11 năm 2022. Bản Tuyên bố nêu rõ:

Hội nghị HLM12 đã trao đổi quan điểm và chia sẻ kinh nghiệm về các chính sách tích hợp ứng phó với COVID-19; các chiến lược y tế công cộng được áp dụng trong khu vực APEC đã góp phần ngăn chặn đại dịch COVID-19 trên toàn cầu và tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi kinh tế thế giới và tăng trưởng kinh tế của khu vực APEC; nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục nỗ lực để đẩy nhanh việc phân phối vắc xin COVID-19, hỗ trợ tiếp cận công bằng với vắc xin COVID-19 an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý; hỗ trợ nhân viên y tế và giải quyết thông tin sai lệch.

 Hội nghị HLM12 cũng tái khẳng định cam kết của APEC trong việc tăng cường công bằng y tế và giải quyết các rào cản liên quan đến sức khỏe. Hội nghị HLM12 ghi nhận Quyết định về Hiệp định TRIPS vừa được đồng ý tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của tổ chức thương mại thế giới và tái khẳng định lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC hỗ trợ nỗ lực chia sẻ vắc xin COVID-19 toàn cầu nhằm mở rộng sản xuất và cung cấp vắc xin và khuyến khích chuyển giao tự nguyện công nghệ sản xuất vắc xin theo các điều khoản đã được hai bên thỏa thuận; HLM12 công nhận rằng thế giới cần chuẩn bị nhiều hơn cho các đại dịch trong tương lai và các mối đe dọa sức khỏe khác, bao gồm cả việc tăng cường đầu tư vào an ninh y tế.

HLM12 khuyến khích các nền kinh tế, các đối tác phát triển và khu vực tư nhân tăng cường đầu tư vào việc thúc đẩy phát triển và sản xuất vắc xin, chẩn đoán và điều trị an toàn, hiệu quả và đảm bảo chất lượng để ngăn ngừa, phát hiện và điều trị các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái phát và kêu gọi sự hợp tác toàn cầu mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

HLM12 hoan nghênh các nỗ lực tiếp tục nhằm tạo ra một nền kinh tế kỹ thuật số mở, công bằng và bao trùm, thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ mới để tạo điều kiện thuận lợi cho dòng dữ liệu sẽ củng cố các nền kinh tế APEC và khả năng của chúng ta trong việc giải quyết COVID ‐19 và những thách thức về sức khỏe trong tương lai.

HLM12 tái khẳng định rằng “không có của cải nếu không có sức khỏe”, đồng thời ghi nhận các cam kết từ các nền kinh tế nhằm cải thiện sức khỏe và cuộc sống, nhằm thúc đẩy thương mại, tăng trưởng và phát triển bao trùm trong khu vực APEC và tăng cường đầu tư vào an ninh y tế và tăng cường hệ thống y tế để chuẩn bị ứng phó tốt hơn với các đại dịch trong tương lai. Để hiện thực hóa điều này, HLM12 hỗ trợ sự hợp tác giữa các nền kinh tế để giải quyết các vấn đề về sức khỏe và kinh tế.

Nhân dịp tham dự Hội nghị HLM12, đoàn Bộ Y tế Việt Nam đã có cuộc họp bên lề với nhóm liên minh y tế APEC bao gồm các tập đoàn về dược phẩm và các sản phẩm y tế (tập đoàn Amgen, Boehringer Ingelheim; Johnson& Johnson; Eli Lilly; Merck KgaA; Merch Sharpe Dohme (MSD); Organon; Pfizer; Pharmaceutical Research & Manufacturers of America, Roche Group và Sanofi).Các thành viên của liên minh đã trình bày về các lĩnh vực hợp tác đang triển khai trong thời gian qua và mong muốn thúc đẩy với Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm: đầu tư tài chính y tế, tăng cường hệ thống y tế, nghiên cứu sản xuất vắc xin, tăng cường sức khoẻ người cao tuổi, phụ nữ, tăng cường kiểm soát và phòng ngừa các bệnh ung thư, bệnh hiếm. Nhóm Liên minh APEC mong muốn trao đổi về thách thức và ưu tiên của ngành y tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19 và tìm hiểu cơ hội hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tham dự Hội nghị HLM12

Sau khi lắng nghe các ý kiến của phía Bạn, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao những hợp tác hiệu quả của nhóm trong thời gian qua. Thứ trưởng cũng cập nhật tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam về cơ bản đã được kiểm soát và trở lại cuộc sống bình thường. Trong thời gian tới, các ưu tiên trọng tâm của ngành Y tế như đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường hội nhập nhằm kiểm soát dịch COVID-19, đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng, phát triển công nghiệp dược, đẩy mạnh cấp phép lưu hành đối với thuốc, trang thiết bị y tế, hoàn thiện thể chế, chính sách; đổi mới tài chính y tế; đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở, phát triển ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam tham dự HLM12

Trước Hội nghị  HLM12, Bộ Y tế Việt Nam đã tham dự cuộc họp Nhóm Công tác y tế từ ngày 23-24/8/2022 để chuẩn bị cho HLM12. Cuộc họp đã cập nhật và hoàn thiện các báo cáo, bao gồm: Chiến lược năm 2030 và tầm nhìn 2045 nhằm thúc đẩy hệ thống y tế phục hồi và tăng cường sức khỏe cho người dân trong khu vực APEC: Các chiến lược ưu tiên giai đoạn 2021-2030: tăng cường hợp tác y tế, bao gồm các lĩnh vực: ứng phó, phục hồi sau đại dịch, kiểm soát phòng ngừa các bệnh lây nhiễm, tiêm chủng và kháng kháng sinh, quản lý các bệnh không lây nhiễm thông qua tiếp cận vòng đời bao gồm sức khỏe tâm thần, ung thư, các bệnh hiếm, sức khỏe môi trường và các vấn đề liên quan giữa y tế và kinh tế; Tăng cường hệ thống y tế và hài hòa các quy định trong khu vực, nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là các nghiên cứu khoa học đời sống bao gồm lĩnh vực y tế số. Kế hoạch hành động APEC về vắc xin nhằm thúc đẩy các chương trình vắc xin và tiêm chủng trong giai đoạn 2021-2030, giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khỏe người dân, từ đó giúp phát triển kinh tế xã hội.

Trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác kinh tế APEC, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm và vai trò là một thành viên tích cực của diễn đàn quan trọng về y tế toàn cầu, góp phần đưa tiếng nói của các nền kinh tế đang phát triển vào quá trình xây dựng và hoạch định các chính sách y tế toàn cầu trong tương lai./.

Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Y tế

         Đưa tin từ Băng Cốc, Thái Lan




Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT

× Thành công! Câu hỏi của bạn đã được tiếp nhận. Cảm ơn quý vị đã gửi tin nhắn, vì tính chất công việc, câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.