Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu tỉnh Thái Nguyên cần giữ vững chắc các thành trì phòng chống dịch như các cơ quan lãnh đạo, các bệnh viện, các doanh nghiệp, trường học, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, cả những đối tượng lang thang cơ nhỡ….
Chiều ngày 17/6/2021, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có cuộc làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh Thái Nguyên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi làm việc tại tỉnh Thái Nguyên
Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Thái Nguyên, ông Đặng Xuân Trường cho biết, Thái Nguyên là tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ, có 8 khu công nghiệp, với số người lao động trong các khu công nghiệp khoảng 87.000 người. Số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 4.449 doanh nghiệp với gần 239.000 lao động.
Đặc biệt, Thái Nguyên nằm trong chuỗi liên kết sản xuất với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, nên có sự giao lưu nhất định giữa những doanh nghiệp của 2 tỉnh này với Thái Nguyên. Người của các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang thường xuyên đi sang Thái Nguyên và ngược lại. Chính vì thế, “chúng tôi xác định, kể từ khi Bắc Ninh, Bắc Giang có dịch, Thái Nguyên trở thành tỉnh có nguy cơ cao”, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, ông Đặng Ngọc Huy cho biết, từ ngày 01/01/2021 đến nay, địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 8 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 5 trường hợp trong các khu cách ly tập trung, 3 trường hợp trong cộng đồng.
Về năng lực xét nghiệm, hiện Thái Nguyên có 3 cơ sở có năng lực xét nghiệm với tổng số khoảng 1000 mẫu đơn/ngày, ngoài ra Thái Nguyên đang tiếp tục bổ sung, nâng cấp và mua mới máy xét nghiệm Realtime-PCR tại 2 cơ sở y tế nữa để đáp ứng nhu cầu. Về công tác điều trị, hiện Thái Nguyên có 4 bệnh viện sẵn sàng đáp ứng điều trị các ca COVID-19, với năng lực tối đa 1.300 giường, khi cần sẽ thành lập thêm các bệnh viện dã chiến.
Ông Phan Đức Cường - Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên cho biết, do bối cảnh dịch bệnh, hiện nay các khu công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn như số công nhân giảm tới 15%, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu được tiêm vaccine để ổn định sản xuất nhưng nguồn cung rất hạn chế. Về vấn đề này, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ Y tế cấp bổ sung vaccine để ưu tiên tiêm cho đối tượng công nhân, người lao động của tỉnh. Theo quy định, hàng tuần doanh nghiệp phải tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên cho 20% người lao động trong các khu công nghiệp, đây là một trong những vấn đề gây khó khăn cho địa phương. Sở Y tế cũng đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị cung cấp đảm bảo nguồn cung hóa chất, vật tư tiêu hao cho tỉnh.
Tích cực phòng, chống dịch tại từng doanh nghiệp và trong cộng đồng.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn, sự xuất hiện biến thể mới của virus khiến tốc độ lây lan dịch bệnh rất nhanh. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, nếu dịch bệnh xảy ra có khả năng đứt chuỗi sản xuất. Thái Nguyên – nơi giao thương rất lớn với các tỉnh khác, công nhân không chỉ là người của Thái Nguyên mà còn đến từ nhiều tỉnh khác - nên nguy cơ dịch bệnh rất lớn.
Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, để phòng, chống dịch hiệu quả trong cộng đồng, người dân cần tuân thủ nguyên tắc 5K. Chính quyền địa phương cần tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Trong đó, cần dựa vào tổ COVID-19 cộng đồng để truy vết, phát hiện sớm ca bệnh, yêu cầu các gia đình ký cam kết phòng, chống dịch. “Phong tỏa theo diện hẹp nhưng khoanh vùng theo diện rộng, không thể vì 1 ca bệnh mà phong tỏa cả một phường”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế đánh giá mức độ nguy cơ từ tỉnh đến huyện đến xã. Tất cả các cấp, các ngành, hội, đoàn thể phải vào cuộc phòng, chống dịch. Ngoài ra, Thái Nguyên cần chuẩn bị phương án xây dựng các khu cách ly tập trung với nhiều người cách ly hơn.
Về điều trị, Thái Nguyên cần lên phương án lập các trung tâm hồi sức tích cực (ICU) ít nhất có khả năng điều trị cho 100 bệnh nhân nặng. Về vấn đề xây dựng bệnh viện dã chiến, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tỉnh cần dựa trên năng lực địa phương, có thể xây dựng trên cơ sở của một trung tâm y tế. “Tất cả các phương án cần phải được sẵn sàng”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Ngoài ra, Thái Nguyên cần xây dựng hệ thống Telehealth, kết nối điều trị trực tuyến với trung ương để xử trí kịp thời những ca bệnh nặng. Điều này, đòi hỏi địa phương cần ứng dụng công nghệ thông tin.
Thứ trưởng không hài lòng với năng lực xét nghiệm hiện nay của tỉnh Thái Nguyên, yêu cầu tỉnh phải nâng cao năng lực xét nghiệm, đầu tư thêm máy móc hoặc nâng cao năng lực trên các cơ sở hiện có để đạt mức xét nghiệm ít nhất 5000 mẫu đơn.
Lưu ý công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các huyện cần tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp; yêu cầu doanh nghiệp cam kết thực hiện phòng chống dịch với huyện. Doanh nghiệp phải lên kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể, có sự kiểm soát của cơ quan y tế và chính quyền địa phương. Những đối tượng ở doanh nghiệp nên xét nghiệm sàng lọc thường xuyên là những người làm việc tại nhà ăn, người thường xuyên tiếp xúc với nhiều người…
Toàn cảnh buổi làm việc
Về vấn đề tiêm vaccine, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, tỉnh Thái Nguyên cần rà soát và tập huấn ngay cho lực lượng y tế để khi có vaccine đủ năng lực tiêm ngay. Nếu cần thiết huy động sinh viên y, dược năm cuối đi tập huấn. Bên cạnh đó, tập huấn cho các bệnh viện để xử trí các trường hợp cấp cứu trong quá trình tiêm, đảm bảo an toàn tiêm chủng ở mức cao nhất.
Đặc biệt, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu tỉnh Thái Nguyên cần giữ gìn, bảo vệ vững chắc các thành trì phòng, chống dịch như các cơ quan lãnh đạo, tại các bệnh viện, các doanh nghiệp, trường học, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, cả những đối tượng lang thang cơ nhỡ…/.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT