Công tác lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết là 3 hoạt động có mối liên hệ chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch, cần độ chính xác và nhanh; Việc tăng cường, kiện toàn và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa 3 hoạt động này đóng vai trò cần thiết và quan trọng.
Chiều ngày 09/7/2021, bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc cùng đại diện lãnh đạo UBND, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong thời gian sắp tới khi TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế luôn sẵn sàng hỗ trợ toàn diện cho công tác phòng, chống dịch của TP. Hồ Chí Minh về nhân lực, xét nghiệm và công tác điều trị.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc hỗ trợ nhân lực theo yêu cầu từ thành phố, Bộ Y tế cũng sẽ đồng hành cùng Hồ Chí Minh trong công tác triển khai xét nghiệm, hỗ trợ truy vết, chiến dịch tiêm vắc xin cũng như trong công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Giải bài toán nhập liệu, lấy mẫu và trả kết quả nhanh, chính xác
Sau khi nghe báo cáo từ GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, trong thời gian sắp tới trước khi triển khai lấy mẫu cần đào tạo, tiêu chuẩn, chuẩn hóa nguồn nhân lực phục vụ công tác thu thập thông tin, nhập liệu để đảm bảo đáp ứng đủ các yêu cầu về thông tin tối thiểu tại hiện trường bao gồm: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại; sau đó tiến hành nhập liệu bổ sung để hoàn thiện các thông tin liên quan trong quá trình mẫu được chuyển đến phòng thí nghiệm xét nghiệm.
Về vấn đề giải pháp nhập liệu, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức chia sẻ, bên cạnh việc cải thiện các công cụ nhập liệu sẵn có, TP. Hồ Chí Minh cũng đã hoàn thiện một hệ thống nhập liệu offline để nhập liệu trực tiếp tại hiện trường một cách thuận tiện, nhanh chóng đồng thời có thể đồng bộ dữ liệu khi đưa về trung tâm xử lý.
Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cũng khuyến cáo, việc lựa chọn hình thức, công cụ nhập liệu nào sẽ do các đơn vị phụ trách quyết định dựa trên điều kiện thực tế của từng đơn vị, miễn sao đảm bảo về chất lượng dữ liệu, cũng như đáp ứng tiến độ của các công việc liên quan.
Đánh giá đúng năng lực xét nghiệm của từng đơn vị
Bên cạnh việc hoàn thiện công tác lấy mẫu, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức nhấn mạnh, song song với việc triển khai lấy mẫu, ngành Y tế TP.Hồ Chí Minh cần tiến hành rà soát lại năng lực xét nghiệm thực tế của các đơn vị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh để giao số lượng, nhiệm vụ, trách nhiệm phù hợp với năng lực thực hiện của đơn vị nhằm đảm bảo tiến độ của xét nghiệm.
Bên cạnh đó, thông tin điều phối xét nghiệm cần được thực hiện và kiểm tra đa chiều để đảm bảo thông suốt về mặt thông tin giữa đơn vị điều phối, đơn vị thực hiện xét nghiệm và đơn vị nhận kết quả xét nghiệm.
Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế đã tiến hành rà soát năng lực thực hiện xét nghiệm cụ thể của từng đơn vị và có sự tiến hành điều chỉnh phù hợp theo hướng đảm bảo vận dụng tối đa nguồn lực, đảm bảo thời gian trả kết quả theo quy định; Số lượng xét nghiệm giao đến từng đơn vị, số kết quả được trả được thống kê, báo cáo hằng ngày để điều chỉnh cho ngày tiếp theo.
Quang cảnh buổi làm việc
Trao đổi trong buổi làm việc, GS.TS.Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ, hiện TP. Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn thành phố, đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho công tác lấy mẫu; bên cạnh đó để phát huy được tối đa hiệu quả công tác xét nghiệm cần được thực hiện theo chiến lược có trọng tâm, trọng điểm đồng thời cần tính toán đến bài toán xét nghiệm cho các trường hợp F0 để có kế hoạch dự trù sinh phẩm, vật tư, triển khai công tác xét nghiệm phù hợp.
Đối với năng lực lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm của TP.Hồ Chí Minh, GS.TS.Phan Trọng Lân đánh giá, với năng lực hiện tại TP.HCM công tác lấy mẫu xét nghiệm có thể được đảm bảo, đối với năng lực xét nghiệm cần rà soát tổng thể, bổ sung nhân sự, trang thiết bị cần thiết để có thể nâng cao công suất xét nghiệm.“Với 39 máy xét nghiệm Realtime RT-PCR hiện có của 17 đơn vị trực thuộc Sở Y tế nhưng hiện chỉ đảm khoảng 7.000 mẫu xét nghiệm mỗi ngày thì có thể chưa vận dụng tối đa nguồn lực sẵn có”. GS.TS.Phan Trọng Lân chia sẻ thêm.
Đối với công tác xét nghiệm, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, việc xét nghiệm nên được triển khai dựa theo năng lực của từng phòng xét nghiệm nhưng phải đảm bảo tuân thủ cam kết về quy định thời gian, thời gian trả kết quả; đồng thời cần có công tác kiểm tra, giám sát việc đảm bảo tuân thủ này.
Về công tác truy vết, theo yêu cầu từ ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh, Bộ Y tế sẽ điều động 500 nhân lực để hỗ trợ các quận, huyện thực hiện công tác này./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT