Bộ y tế
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương làm việc với UNDP, WHO và GCF về Chương trình hợp tác đầu tư sức khỏe và khí hậu
18/08/2023 - 153
Chiều ngày 16/8/2023 tại trụ sở Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) về Chương trình hợp tác đầu tư về sức khỏe và khí hậu.
Tham dự cuộc họp có bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; đại diện GCF, và một số Vụ, Cục, đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã nhấn mạnh: ngành Y tế Việt Nam đã và đang chịu những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Hệ thống y tế tuy đã được nâng cấp nhưng vẫn chưa đủ khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là với các vấn đề sức khỏe do tác động tiêu cực của thiên tai, thời tiết cực đoan.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực triển khai nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Thứ trưởng cho biết thêm: Việt Nam là một trong những nước đầu tiên đã xây dựng và triển khai bộ công cụ đánh giá tính dễ bị tổn thương và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Trung ương và địa phương; đồng thời đã xây dựng được bộ công cụ đào tạo và tổ chức được nhóm giảng viên nòng cốt để tập huấn nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ y tế các cấp; triển khai các hoạt động đảm bảo nước sạch và vệ sinh thích ứng với biến đổi khí hậu trong các cơ sở y tế và xây dựng bệnh viện Xanh – Sạch – Đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa…
Bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam và Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã nêu rõ: mặc dù đạt được nhiều thành công, tuy nhiên ngành Y tế vẫn cần nguồn lực rất lớn cho việc duy trì, triển khai rộng khắp trong toàn quốc để nâng cao sức chống chịu với khí hậu đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu với sức khỏe con người và môi trường.
“Bộ Y tế trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của UNDP và WHO cho ngành Y tế trong những năm vừa qua, đặc biệt là vấn đề vệ sinh, nước sạch và trong ứng phó với biến đổi khí hậu”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng và khẳng định UNDP sẽ luôn đồng hành cùng Bộ Y tế Việt Nam trong các hoạt động liên quan, đặc biệt là huy động nguồn tài chính khí hậu hỗ trợ nâng cao sức chống chịu với khí hậu của hệ thống y tế công và phòng ngừa các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu.
Bà Ramla Khalidi chia sẻ về Chương trình Điều phối Quỹ Đồng đầu tư khí hậu và y tế do UNDP và WHO phối hợp xây dựng. Dự kiến Việt Nam sẽ là một trong 19 quốc gia được lựa chọn tham gia Chương trình và là một trong 7 nước thực hiện Hợp phần 3 được ưu tiên đầu tư nhiều hơn so với các quốc gia khác.
Tham gia Chương trình Điều phối Quỹ Đồng đầu tư khí hậu và y tế, ngành Y tế Việt Nam sẽ có cơ hội giải quyết các thách thức hiện nay về việc thiếu hệ thống cảnh báo sớm; tăng cường các chương trình phòng, chống dịch bệnh dựa trên thông tin khí hậu; cải thiện dịch vụ y tế cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đồng thời thúc đẩy các giải pháp phát thải carbon thấp tại các cơ sở y tế công và cộng đồng.
Cùng chung ý kiến, Bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá ngành Y tế Việt Nam có thể nhận được nhiều nguồn tài trợ khí hậu hơn nếu tham gia Liên minh hành động chuyển đổi về sức khỏe và khí hậu (ATACH ) và ATACH sẽ có thể giúp ngành Y tế thực hiện tốt hơn các mục tiêu quốc gia và quốc tế.
Bà Angela Pratt cũng ủng hộ sự tham gia của Bộ Y tế tại hội nghị Biến đổi khí hậu tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, đặc biệt khi Chương trình Điều phối Quỹ Đồng đầu tư Khí hậu được GCF công bố tại hội nghị và Việt Nam gia nhập ATACH.
Quang cảnh buổi làm việc
Sau khi lắng nghe và trao đổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đồng ý và giao Vụ Hợp tác Quốc tế và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch báo cáo lãnh đạo Bộ để Bộ Y tế tham gia ATACH cũng như Chương trình Điều phối Quỹ Đồng đầu tư Khí hậu; đề nghị UNDP và WHO tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật trong giai đoạn xây dựng dự án cũng như cung cấp hướng dẫn chi tiết cho Việt Nam gia nhập ATACH./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT