zalo chat
Đường dây nóng: (Giờ hành chánh) (0251).388.3660
THÔNG ĐIỆP 2K CỦA BỘ Y TẾ                                                                                                 Khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.                                                                                                  Bắt buộc đeo khẩu trang đối với một số đối tượng cụ thể.                                                                                                  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.                                                                                                  Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        BỆNH VIỆN ĐA KHOA THỐNG NHẤT - ĐỒNG NAI CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19.                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Bộ y tế

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 77

29/05/2024 - 81

Ngày 28/5/2024, phiên họp toàn thể kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 77 (WHA-77) tiếp tục với bài phát biểu của trưởng đoàn các các quốc gia thành viên với chủ đề “Tất cả cho sức khỏe, sức khỏe cho mọi người”.

 

PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã có bài phát biểu trao đổi về chủ đề này vào chiều ngày 28/5/2024.

PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 77 ngày 28/5/2024.

Trong bài phát biểu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ, một năm trước chúng ta đã kết thúc năm kỷ niệm 75 năm thành lập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 1948, một cột mốc quan trọng trong lịch sử y tế công cộng toàn cầu. Trong nhiều thập kỷ, những thành tựu về y tế công cộng đã cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân trên khắp thế giới, bao gồm những lợi ích to lớn về sức khỏe cho người dân Việt Nam. Đây là những thành tựu mà Việt Nam vô cùng tự hào chia sẻ hôm nay.

Lĩnh vực trọng tâm thứ nhất là tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở hoặc hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu làm nền tảng cho bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Điều này có nghĩa là định hướng lại hệ thống y tế từ bệnh viện làm trung tâm sang chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc lấy con người làm trung tâm, đồng thời mang lại cho mọi người quyền tiếp cận công bằng với các dịch vụ y tế thiết yếu, có chất lượng ở cấp cơ sở gần nơi họ sinh sống.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 93% dân số, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, bao gồm cải thiện tài chính cho chăm sóc sức khỏe ban đầu và bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu, đặc biệt là đối với các bệnh không lây nhiễm (NCD) và sức khỏe bà mẹ.

Ngoài ra, Việt Nam đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách về tiêm chủng định kỳ cho trẻ em do sự gián đoạn của đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu vaccine.  Từ năm 2022 đến 2030, Việt Nam sẽ bổ sung thêm 4 vaccine vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bao gồm vaccine phòng bệnh do vi rút Rota từ năm 2022, vaccine phòng bệnh do phế cầu từ năm 2025, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026 và vaccine phòng bệnh cúm mùa từ năm 2030.

Lĩnh vực trọng tâm thứ hai là chuẩn bị và ứng phó với tình huống khẩn cấp về sức khỏe. Việt Nam đã chuyển đổi thành công chiến lược ứng phó với COVID-19 sang quản lý bền vững sau khi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế kết thúc vào tháng 5 năm 2023. Tuy nhiên, chúng ta phải đối mặt với các tình huống khẩn cấp khác về sức khỏe, bao gồm sự bùng phát của các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine như sởi và bạch hầu, cũng như bệnh đậu mùa khỉ (Mpox), cúm gia cầm ở người, sốt xuất huyết và các bệnh khác.

Cũng trong tháng 5 này, Chính phủ Việt Nam và WHO thông báo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại Hà Nội đã được chỉ định là Trung tâm Hợp tác của WHO. Vì vậy, Việt Nam rất vinh dự nhận được sự ghi nhận này về vai trò quan trọng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại Việt Nam cũng như khả năng đóng góp của bệnh viện này cho an ninh y tế khu vực và toàn cầu.

Việt Nam tự hào về tất cả những thành tựu về y tế mà Việt Nam đã đạt được và mong muốn tiếp tục hợp tác với WHO trong thời gian tới.

Trong ngày 28/5/2024, Ủy ban A (kỳ họp Đại hội đồng sẽ có phiên toàn thể và có các phiên họp mang tính kỹ thuật, chia thành hai Ủy ban, gọi là Ủy ban A và Ủy ban B) tiếp tục phiên họp về các nội dung của Trụ cột thứ 4 gồm dự thảo Chương trình công tác chung lần thứ 14, 2025 - 2028; tài chính và việc thực hiện Chương trình ngân sách 2022-2023 và vấn đề tài chính của Chương trình ngân sách 2024-2025; tài chính bền vững: Vòng đầu tư của WHO.

Ngoài ra, các vấn đề thuộc trụ cột số 2 cũng được tiến hành thảo luận, bao gồm các trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng; chuẩn bị và ứng phó; Cơ quan Đàm phán liên Chính phủ để dự thảo và đàm phán về một Công ước/Thỏa thuận của WHO hoặc một văn kiện quốc tế khác về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch; nhóm công tác về sửa đổi Điều lệ Y tế quốc tế (2005); Ủy ban Tư vấn và Giám sát độc lập cho Chương trình Khẩn cấp về Y tế của WHO; việc thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (2005).

PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 77 Đại Hội đồng Y tế Thế giới từ ngày 27/5/2024 đến ngày 31/5/2024 tại Geneva, Thụy Sỹ.

Đoàn Việt Nam đã tham dự và có tham luận về một số nội dung chuyên môn của các phiên họp của Ủy ban A. Bà Phạm Thị Minh Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Y tế Việt Nam đã có bài tham luận đối với nội dung dự thảo thỏa thuận của Tổ chức Y tế thế giới về thỏa thuận ngăn chặn, ứng phó và xử lý đại dịch trong tương lai. Bà Phạm Thị Minh Châu cho biết kinh nghiệm từ bài học của COVID-19 cho thấy thỏa thuận này là cơ hội để các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia đang phát triển có cơ hội tiếp cận công bằng với các dịch vụ y tế, các vật tư, trang thiết bị, vaccine, sinh phẩm, thuốc điều trị… để phòng, chống đại dịch; đây là bước tiến đột phát để các quốc gia cùng nhau hành động cho một thế giới khoẻ mạnh hơn, bình đẳng hơn.

Bên lề kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã tham dự cuộc họp cấp cao lần thứ hai của Hội đồng Thúc đẩy tiến trình phát triển vaccine phòng ngừa Lao của WHO.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã có bài phát biểu, chia sẻ về nỗ lực và năng lực của Việt Nam trong việc đảm bảo tiếp tận nhanh chóng và tin cậy với các loại vaccine Lao mới hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh Lao vào năm 2035. Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết vaccine Lao mới mang đến cơ hội lớn để chấm dứt một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới và Việt Nam có đủ năng lực, kinh nghiệm và điều kiện thuận lợi cần thiết để sử dụng hiệu quả những công cụ phòng ngừa Lao mới quan trọng này. Trên thực tế, WHO đã ghi nhận Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia của Việt Nam là một trong những chương trình mạnh nhất trong khu vực.

Trong 40 năm qua, chương trình đã cứu sống 50 nghìn sinh mạng, ngăn ngừa 7 triệu trẻ em mắc bệnh và loại bỏ các bệnh như đậu mùa và bại liệt. Trong 10 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã liên tục tăng nguồn tài chính hỗ trợ cho chương trình. Hiện nay, hầu hết chương trình hoạt động dựa vào nguồn tài chính trong nước và chúng tôi dự định mở rộng chương trình này hơn nữa bằng cách bổ sung thêm 4 loại vaccine mới trong 5 năm tới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho biết sức mạnh của Chương trình tiêm chủng, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã được thể hiện rõ trong đại dịch COVID-19. Với năng lực và kinh nghiệm của mình, Việt Nam đã tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng ở người lớn từ 7,5% lên 100% với ít nhất một liều chỉ trong 5 tháng. Điều này được thực hiện nhờ sự cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, thể hiện qua hàng loạt chính sách, kế hoạch, hướng dẫn về tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng các loại vaccine mới./.

 

Đoàn công tác Bộ Y tế đưa tin từ Thụy Sĩ




Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT

× Thành công! Câu hỏi của bạn đã được tiếp nhận. Cảm ơn quý vị đã gửi tin nhắn, vì tính chất công việc, câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.