Bộ y tế
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn họp về chính sách quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
12/12/2022 - 149
Sáng ngày 12/12/2022 tại trụ sở Bộ Y tế, GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp về chính sách quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tham dự có đại đại diện một số Vụ, Cục, thuộc Bộ Y tế; WHO; các tổ chức quốc tế; Các chuyên gia trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá và một số đơn vị liên quan.
GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu
Phát biểu tại cuộc họp. GS.TS.Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay, nhiều loại hình thuốc lá mới (thuốc lá thế hệ mới) ra đời nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Nổi bật lên là thuốc lá có sử dụng thiết bị điện tử, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDS) và thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs).
Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng không chỉ gây hại cho sức khoẻ con người mà cả kinh tế, gây tai nạn thương tích do cháy nổ và cả an toàn xã hội do sử dụng ma tuý.
Theo kết quả một cuộc điều tra năm 2015 cho thấy, trong số những người hút thuốc lá, có khoảng 2% sử dụng thuốc lá thế hệ mới và ngày một tăng. Theo Điều tra PGATS 2020 tại Việt Nam mô tả thực trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh/thành phố của Việt Nam năm 2020, tỷ lệ người trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%), trong đó nam giới tăng 14 lần (từ 0,4% lên 5,6%), nữ giới tăng 10 lần (từ 0,1% lên 1%) và cao nhất là ở nhóm tuổi 15-24 tuổi (7,3%). Đây là các sản phẩm mới trên thị trường mà Việt Nam chúng ta chưa có những chính sách quản lý cụ thể về việc sử dụng, buôn bán, nhập khẩu,...
“Nếu không có cảnh báo mang tính chất xã hội để đến khi giới trẻ nghiện thì việc cấm hay thí điểm quản lý không còn tác dụng” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khoẻ và đến nay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây nguy hại đối với sức khoẻ cộng đồng tương tự thuốc lá điếu thông thường. Bằng chứng là số liệu các ca tử vong liên quan đến thuốc lá điện tử tại Mỹ (số liệu mới nhất của CDC của Hoa Kỳ tính đến ngày 4/2/2020): 2758 ca tổn thương và hơn 64 ca tử vong.
Thứ trưởng cho biết thêm, các ảnh hưởng của thuốc lá điện tử bao gồm tăng nguy cơ nghiện nicotine với người từng hút và chưa bao giờ hút, tăng nguy cơ động kinh, mắc các bệnh về răng miệng, gây các vụ nổ, bỏng, chấn thương, gãy xương. Dạng hơi của thuốc lá điện tử bên cạnh các chất gây nghiện, vẫn chứa formaldehyde, benzene và nitrosamines (chất đặc biệt có trong thuốc lá và gây ung thư), acetaldehyde và các chất gây ung thư khác. Do đó, người hít phải khói thuốc lá điện tử cũng giống như người hút trực tiếp đều có nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tật. Nặng nề nhất như ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày… Do đó, chúng ta cần xây dựng được chính sách quản lý nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá điện tử đối với sức khoẻ nhân dân.
Hiện nay, hệ thống pháp luật hiện hành về quản lý thuốc lá của Việt Nam chưa đầy đủ và rõ ràng, và không thể áp dụng với các sản phẩm thuốc lá mới. Vì vậy, nếu cho phép các sản phẩm thuốc lá mới được lưu hành sẽ phải điều chỉnh một loạt văn bản pháp luật về định nghĩa, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, tem nhãn, xuất nhập khẩu, thuế… Một số quy định pháp luật đòi hỏi phải có sự kiểm định về chuyên môn mà điều kiện Việt Nam chưa thể đáp ứng được.
Việc đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là vấn đề quan trọng, cấp bách, cần lấy ý kiến đóng góp Vụ, Cục, các tổ chức quốc tế, Các chuyên gia trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá.
“Vấn đề này cần phải được nghiên cứu một cách thận trọng, tổng thể, khách quan, khoa học, từ đó mới có thể đưa ra được đề xuất, kiến nghị chính sách phù hợp đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng” - Thứ trưởng khẳng định.
Quang cảnh cuộc họp
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số điểm quan trọng như: Nguy cơ gia tăng sử dụng trong giới trẻ và & khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới; Nhận diện các sản phẩm thuốc lá mới kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuốc lá mới; Thực trạng sử dụng thuốc lá mới và một số vấn đề pháp lý cần quan tâm trong việc đề xuất cơ chế quản lý thuốc lá mới.
Trên cơ sở kết quả làm việc tại các nội dung trên, Thứ trưởng đề nghị, Vụ Pháp chế sẽ rà soát, tập hợp lại các ý kiến của các đại biểu, từ đó xây dựng báo cáo kết quả nghiên cứu đầy đủ, khách quan về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và đề xuất chính sách quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở Việt Nam./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT