zalo chat
Đường dây nóng: (Giờ hành chánh) (0251).388.3660
THÔNG ĐIỆP 2K CỦA BỘ Y TẾ                                                                                                 Khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.                                                                                                  Bắt buộc đeo khẩu trang đối với một số đối tượng cụ thể.                                                                                                  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.                                                                                                  Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        BỆNH VIỆN ĐA KHOA THỐNG NHẤT - ĐỒNG NAI CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19.                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Bộ y tế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phát động Chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi”

19/05/2024 - 107

Sáng ngày 19/5/2024, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát động Chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi”. Tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến tặng mô, tạng.

 

Chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi” do Bộ Y tế, Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam thực hiện nhằm chuyển tải sâu rộng hơn ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người như một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng sáng chói của lòng nhân ái vì con người trong cộng đồng.

Dự chương trình có các đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí lãnh đạo nhiều Bộ, ban, ngành, đoàn thể, Viện, Uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ…

Về phía Bộ Y tế có Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

Tham dự chương trình còn có Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa; Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, Bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội vận động hiến mô, Bộ phận cơ thể người Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam… Chương trình có sự tham dự của Hoa Hậu Việt Nam Đỗ Mỹ Linh - Đại sứ thiện chí Hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Hoa hậu Việt Nam Huỳnh Thị Thanh Thuỷ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chương trình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu phát động chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Ở Việt Nam, đã có hàng nghìn người đã được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp.

“Hôm nay, chúng ta rất vui mừng, xúc động tới dự “Lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người” tại Bệnh viện Việt Đức - Bệnh viện tuyến Trung ương hàng đầu về phẫu thuật của cả nước.”- Thủ tướng Chính phủ phát biểu.

Sự kiện hôm nay càng đặc biệt hơn khi được tổ chức đúng vào ngày 19/5 - Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - Người đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân và hòa bình, tiến bộ của nhân loại.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Đoàn kết, tương thân, tương ái, trọng tình nghĩa, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được các thế hệ người Việt Nam ta xây dựng, gìn giữ, vun đắp và phát huy từ ngàn đời nay - đó chính là những yếu tố làm nên vẻ đẹp của con người Việt Nam, làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Truyền thống quý báu đó của dân tộc ta đã ngày càng được phát huy, lan tỏa với biết bao hành động cao đẹp, gương người tốt, việc tốt, từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống hằng ngày. Truyền thống quý báu đó được thể hiện rõ nét qua những câu chuyện ấm áp tình người, những tấm lòng thiện nguyện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ đồng bào giữa thiên tai khắc nghiệt, khốn khó chồng chất khi gặp bão lũ.

 Truyền thống quý báu đó được minh chứng sống động qua cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, với hình ảnh của hàng trăm nghìn y bác sĩ, chiến sĩ công an nhân dân, quân đội nhân dân không quản hiểm nguy, xung phong nơi “tuyến đầu”, “tâm dịch”; hình ảnh bà con trên khắp mọi miền Tổ quốc gửi lương thực, suất ăn, thiết bị phòng, chống dịch về “điểm nóng”; hay những siêu thị “0 đồng”, “ATM gạo” được dựng lên bằng những tấm lòng cao cả, trái tim nhân ái. Truyền thống quý báu đó được thể hiện qua hàng triệu người hiến máu tình nguyện hỗ trợ, cứu giúp đồng bào giành lại cuộc sống giữa ranh giới sinh tử mong manh. Đặc biệt, truyền thống quý báu đó còn được minh chứng bằng nghĩa cử cao đẹp hiến mô, tạng cứu người với tinh thần “cho đi là còn mãi” của hàng nghìn người trên khắp mọi miền Tổ quốc trong những năm qua.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ phát động 'Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi'. Ảnh Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh: Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của nền y học thế giới từ thế kỷ 20. Chúng ta rất tự hào, mặc dù đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước và tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với một số quốc gia phát triển, trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều.

Theo Thủ tướng Chính phủ, trong hơn 30 năm qua, lĩnh vực ghép tạng đã đạt được sự tiến bộ vượt bậc đó chính là nhờ ba nhân tố chủ yếu:

Thứ nhất: chủ trương, đường lối, chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước;

Thứ hai: Sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế;

Thứ ba: đặc biệt là sự hy sinh cao cả của những người hiến tạng, gia đình người hiến tạng và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đơn vị cần tiếp tục phát triển ngành ghép tạng, mở rộng nguồn mô tạng hiến từ người chết, chết não; nghiên cứu chính sách ưu tiên, cơ chế đặc thù, khuyến khích cho lĩnh vực hiến, ghép mô tạng.

"Tôi kêu gọi mỗi người Việt Nam không phân biệt vùng miền, ngành nghề... hãy đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để tiếp nối hy vọng, cho người bệnh. Với tinh thần "cho đi là còn mãi", đó là nghĩa cử cao đẹp nhất, là sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội vận động hiến mô, Bộ phận cơ thể người Việt Nam trình bày quan điểm của Phật giáo về hiến tặng mô tạng sau khi qua đời.

Thượng toạ Thích Đức Thiện nhấn mạnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong suốt nhiều năm qua đã luôn đồng hành cùng với các cơ quan, tổ chức trong việc vận động hiến mô, tạng cứu người. Chúng tôi đã vận động, tuyên truyền sâu rong trong Tăng Ni, Phật Tử, và các cơ sở chùa, tu viện Phật giáo trên khắp cả nước.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội vận động hiến mô, Bộ phận cơ thể người Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh SKĐS

“Nhiều chùa, tu viện đã thành lập Ban Vận động hiến mô, tạng cứu giúp cho người bệnh, tiêu biểu như chùa Giác Ngộ TPHCM và Thượng toa Thích Nhật Từ đã tiên phong trong công tác vận động hiến mô, tạng, hiến xác cứu người. Đã có gần 10.000 nguời tham gia hiến mô, tạng, hiến xác góp phần cứu sống hàng trăm bệnh nhân hiểm nghèo; các chùa tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, lồng ghép trong các bài thuyết giảng để nâng cao nhận thức của đồng bào Phật tử và Nhân dân về ý nghĩa nhân văn to lớn của việc hiến mô, tạng cứu người”- Thượng tọa Thích Đức Thiện phát biểu.

Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, Bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi lễ. Ảnh SKĐS

Theo Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, Bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ghép tạng là cứu cánh cuối cùng để dành lại sự sống cho những bệnh nhân mà không có lựa chọn nào khác. Thực tế tại Việt Nam và trên thế giới hiện có nhiều người đang khắc khoải sống hàng giờ, hàng ngày chờ được ghép tạng để giành lại sự sống.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nhu cầu ghép tạng trên thế giới và của Việt Nam là rất lớn và ngày càng tăng. Thế giới có dân số khoảng 7,6 tỷ người, hàng năm có 59 triệu người chết do mọi nguyên nhân, nhu cầu cần có ít nhất là 1 triệu người hiến tạng/năm, tuy năm 2023 có 39.357 người hiến tạng (đạt 3,9%) và có 164.840 người bệnh được ghép tạng.

Ở nước ta có số người đăng ký hiến tạng và số người hiến tạng sau chết vào loại thấp nhất thế giới, đạt 0,1 người/ 1 triệu dân, trong khi ở Tây Ban Nha là 50 người/1 triệu dân. Nhiều nước, ở Âu Mỹ, luật pháp quy định khi công dân đăng ký thẻ căn cước thì cũng là đăng ký hiến tạng, trừ một số lí do đặc biệt thì mới có đơn xin không đăng ký. Ngoài quy định hiến tạng sau chết não, luật còn quy đình hiến tạng sau chết tim và tuổi hiển tạng của nhiều nước là trên 60 tuổi, có nhiều trường hợp hiến tạng trên 80 tuổi (Việt Nam luật quy định dưới 60 tuổi). Vì thế số người hiến tạng sau chết não ở các nước Âu Mỹ rất cao.

Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, Bộ phận cơ thể người Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ: Tại sao chúng ta nên đăng ký hiến tạng với trách nhiệm và hơn hết là lòng trắc ẩn đối với thân nhân. Bởi vì thật là lãng phí khi hàng ngày, chúng ta văn vùi chôn vào lòng đất hoặc thiêu đốt thành tro bụi nguồn mô tạng quý giá.

“Gia đình của người hiến tạng vẫn nghe thấy tiếng tim đập đầy yêu thương, lan tỏa năng lượng từ bi của người thân đã qua đời trên cơ thể và sự sống hồi sinh của người được ghép tạng. Người hiến tạng đã làm được việc có ích nhất sau khi từ giã cõi đời là cứu sống người khác, chắc họ cũng hài lòng và sẽ được tái sinh ở cõi giới phúc lạc hơn trong vòng sinh tử luân hồi như quan niệm của Phật giáo”- PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi”. Ảnh SKĐS

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, các quý vị đại biểu, khách quý đã tới tham dự lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi” ngày hôm nay tại Bệnh viện Việt Đức – một trong những cơ sở ghép tạng hàng đầu của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, đây là sự kiện có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về hiến mô, tạng, thắp lên ngọn lửa nhân ái và nhân rộng thêm những hành động cao quý, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Ghép mô, tạng được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là một trong những phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20. "Đây là phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Việc cấy ghép tế bào, mô hoặc cơ quan của con người cứu được nhiều mạng sống và phục hồi các chức năng thiết yếu mà không có giải pháp thay thế nào có hiệu quả tương đương"- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

 Hằng năm, trên thế giới có hàng triệu người được ghép mô, tạng; số lượng người bệnh chỉ định ghép mô, tạng ngày càng gia tăng qua các năm.

 Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trải qua 32 năm kể từ khi thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên người vào tháng 6/1992; đến nay, ngành Y tế nước ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, các công nghệ, kỹ thuật ghép tạng được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển trên thế giới.

“Hiện nay, trên toàn quốc đã có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công; ghép được hầu hết các tạng trên người như ghép thận, gan, tim, phổi, tụy. Với hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm, Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất có số lượng ghép tạng mỗi năm cao hơn 1000 ca”- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin.

Chúng ta còn nhớ vào ngày 30 Tết Giáp Thìn 2024 tại Bệnh viện 108 đã lấy ghép 8 mô tạng, đồng thời điều phối Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện thành công ca ghép 2 lá phổi từ người hiến tặng bị chết não. Gần đây, vào đêm ngày 1 và rạng sáng ngày 02/4/2024, chúng ta vô cùng cảm động trước tấm lòng nhân ái của một gia đình bệnh nhân khi con trai của họ không may bị tai nạn giao thông và qua đời tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông bí, gia đình đã đồng ý hiến mô tạng và hơn 100 thầy thuốc đã tập trung cao độ thực hiện lấy, bảo quản, vận chuyển và ghép tạng thành công cho 7 người.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ: Chúng ta cũng khắc ghi tấm lòng của gia đình điều dưỡng Thuỳ Linh công tác tại Bệnh viện E đã hiến tạng của Linh khi chị qua đời, giúp 4 cuộc đời hồi sinh.

“Thành công của các ca phẫu thuật này chính là những dấu ấn lớn tin vui của ngành Y tế trong lĩnh vực cấy ghép mô tạng Việt Nam; thể hiện sự điều phối, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị y tế trong lĩnh vực ghép tạng; đồng thời cũng là minh chứng rõ nét cho tinh thần, truyền thống “tương thân, tương ái” của con người Việt Nam ta”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu trực tiếp ký đơn đăng ký hiến tặng mô tạng.Ảnh SKĐS

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm, tặng quà, trò chuyện với các bệnh nhân ghép gan, ghép thận và ghép tim tại Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức.

Ngay sau khi cùng các đại biểu phát động chương trình Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Công an Trung tướng Lê Văn Tuyến, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hoà cùng các đại biểu đã tiếp tục đăng ký hiến mô, tạng.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thăm hỏi bệnh nhân tại Trung tâm Ghép tạng - Bệnh viện Việt Đức.Ảnh SKĐS

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hỏi thăm, động viên các y bác sĩ tại Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.Ảnh SKĐS

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chụp ảnh cùng các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

          Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đã gửi thư kêu gọi các Thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế tham gia đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời./.

 




Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT

× Thành công! Câu hỏi của bạn đã được tiếp nhận. Cảm ơn quý vị đã gửi tin nhắn, vì tính chất công việc, câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.