zalo chat
Đường dây nóng: (Giờ hành chánh) (0251).388.3660
THÔNG ĐIỆP 2K CỦA BỘ Y TẾ                                                                                                 Khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.                                                                                                  Bắt buộc đeo khẩu trang đối với một số đối tượng cụ thể.                                                                                                  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.                                                                                                  Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        BỆNH VIỆN ĐA KHOA THỐNG NHẤT - ĐỒNG NAI CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19.                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Bộ y tế

Thủ tướng: Chủ động ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra

21/10/2022 - 220

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2023.

GDP năm 2022 ước đạt khoảng 8%

Báo cáo do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày nêu rõ, tình hình KTXH trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Về những kết quả chủ yếu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6 - 6,5%). Tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,99%, công nghiệp và xây dựng đạt 9,44%, dịch vụ đạt 10,57%; khu vực dịch vụ phát triển sôi động trở lại nhờ kiểm soát được dịch bệnh. Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương, trong đó nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao...

Thủ tướng: 'Nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, năm 2023' - Ảnh 1.

Khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, báo cáo đã nêu rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn trên các lĩnh vực. Ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp… Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.

Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. Tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp; xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm.

Thủ tướng: 'Nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, năm 2023' - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tình hình KTXH trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm quy định, bị xử lý kỷ luật. Một số vụ việc tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, mất an toàn lao động, cháy nổ, lừa đảo qua mạng còn diễn biến phức tạp. Xử lý ô nhiễm môi trường còn bất cập, nhất là nước thải, chất thải. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm còn nhiều khó khăn, thách thức…

Thủ tướng cũng chỉ ra những nguyên nhân, hạn chế, bất cập là do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, vượt dự báo; nước ta bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, cần thời gian tích lũy để phục hồi; trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, năng lực nội tại, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược

Về dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, Thủ tướng cho rằng, trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài và mới phát sinh cần phải tập trung giải quyết… Trong khi đó, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.

Về mục tiêu, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược...

Các chỉ tiêu chủ yếu, có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó: tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5%...

Để đạt được mục tiêu trên, Báo cáo cũng nêu ra 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...

Trong số 12 nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh; tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Yêu cầu cụ thể được Thủ tướng giao đó là, chủ động phương án ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra. Kịp thời giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm năng lực khám, chữa bệnh, phòng chống dịch của hệ thống y tế, thực hiện tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện lộ trình phù hợp tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023 đặt ra là rất nặng nề. Chính phủ trân trọng đề nghị và mong tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, quan tâm, đồng hành, ủng hộ và giám sát của Quốc hội, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân và toàn thể đồng bào, cử tri cả nước để nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, năm 2023, góp phần thực hiện thành công phương hướng, nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra".

Nguồn: Suckhoedoisong.vn




Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT

× Thành công! Câu hỏi của bạn đã được tiếp nhận. Cảm ơn quý vị đã gửi tin nhắn, vì tính chất công việc, câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.