Bộ y tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bắt tay ngay vào công việc, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết
15/02/2024 - 180
Sáng 15/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành đánh giá về tình hình Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết theo chỉ đạo của Ban Bí thư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan bắt tay ngay vào công việc, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng tham dự cuộc họp có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; các đồng chí bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Hỗ trợ, tặng quà Tết cho trên 13,9 triệu lượt đối tượng
Theo các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp, để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 theo Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư, ngay từ sớm, Chính phủ đã có các chỉ đạo công tác chuẩn bị Tết tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 12/2023 và tháng 1/2024; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023, 5 công điện và nhiều văn bản chỉ đạo.
Các bộ, cơ quan, địa phương đã quán triệt và kịp thời triển khai các mặt công tác để tổ chức chuẩn bị, đón Tết theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tạo ra năng lượng mới, khí thế mới của cả dân tộc bước vào năm 2024.
Toàn quốc đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho trên 13,9 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 7.762 tỷ đồng. Trung ương và địa phương đã hỗ trợ khoảng 17.736 tấn gạo cho người dân trong cả nước.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã trích Quỹ "Vì người nghèo" và chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thăm, tặng quà Tết cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, công nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với tổng số trên 8,84 triệu suất quà, trị giá trên 5.055 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 vận động được 5,37 triệu suất quà trị giá khoảng 2.389 tỷ đồng).
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các lực lượng ứng trực làm nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; phục vụ đắc lực, hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư và Chỉ thị của Thủ tướng về tổ chức cho nhân dân vui Xuân, đón Tết... Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các cấp Hội Chữ thập đỏ đã trợ giúp trên 1,52 triệu lượt người nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá gần 1.036 tỷ đồng. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã trao 274.206 thẻ bảo hiểm y tế, 18.353 sổ bảo hiểm y tế tự nguyện cho người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo.
Tiền lương bình quân năm 2023 tại các doanh nghiệp ước đạt 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm 2022. Có 47.625 doanh nghiệp báo cáo về kế hoạch thưởng Tết Giáp Thìn cho 3,33 triệu lao động với mức thưởng bình quân là 6,85 triệu đồng/người, tương đương mức thưởng Tết Quý Mão năm 2023. Người lao động còn được tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ khác (như tặng quà, tặng tiền mặt, phiếu mua hàng, vé tàu xe, bố trí xe đưa đón…).
Trong 7 ngày nghỉ Tết, ngành du lịch ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2023), trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng 75% so với cùng kỳ). Một số địa phương có cảng biển quốc tế đã tổ chức đón khách du lịch tàu biển trong dịp Tết Nguyên đán, cho thấy dấu hiệu một năm phục hồi nhiều khởi sắc của dòng khách quốc tế.
Trong 7 ngày nghỉ Tết, toàn quốc xảy ra 541 vụ tai nạn giao thông, làm chết 214 người và 504 người bị thương (tăng 83 vụ, giảm 69 người chết, tăng 177 người bị thương so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2023).
Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở kết luận của Thường trực Chính phủ, ý kiến tham gia của các đại biểu, VPCP phủ tiếp thu, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay Chỉ thị về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong dịp Tết, không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm đông người; số ca ngộ độc thực phẩm giảm 9,5%, số nhập viện theo dõi, điều trị giảm 19,6% so với cùng kỳ và đều được xử lý kịp thời. Có 604 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa, tất cả các ca đều được khám, chữa trị tích cực.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết có nhiều trường hợp bị tai nạn, nhập viện khi lau chùi, dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết, Bộ Y tế sẽ cùng các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này trong những năm tới.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết điểm mới của năm nay là lãnh đạo nhiều nước gửi điện mừng Tết Nguyên đán tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong dịp Tết, UNESCO đã tổ chức lễ công bố danh sách 64 thành phố đến từ 35 quốc gia được công nhận là thành viên "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu", trong đó có 2 thành phố của Việt Nam là TPHCM và thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn phát biểu tạị cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Vui Xuân, đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các lực lượng ứng trực làm nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân trong dịp vui Xuân, đón Tết; bảo đảm đất nước ta "sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn"; phục vụ đắc lực, hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư và Chỉ thị của Thủ tướng về tổ chức cho nhân dân vui Xuân, đón Tết.
Đây cũng là năm đầu tiên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hằng năm của Liên Hợp Quốc.
Đánh giá tổng quát, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã đạt được mục tiêu đề ra, Chính phủ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã tổ chức cho nhân dân vui Xuân, đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình.
Trong dịp Tết, không có tình trạng thiếu hàng, đội giá, lương thực, thực phẩm dồi dào. Cả nước đã làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo người dân, các đối tượng chính sách, những người yếu thế, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, không có ai không có Tết, không có ai bị bỏ lại phía sau.
Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Lãnh đạo nhiều nước gửi điện mừng Tết Nguyên đán. Người Việt Nam ở nước ngoài vui Xuân, đón Tết, tăng cường kết nối với sở tại, quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam nhiều hơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tạị cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi tất cả các vùng miền, địa phương, thăm, chúc Tết nhân dân, đối tượng chính sách, lực lượng vũ trang, lực lượng ứng trực. Công tác tuyên truyền được làm tốt, các chương trình dịp Tết giàu bản sắc, khai thác truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc. Các lễ hội cơ bản vui tươi, lành mạnh; du lịch khởi sắc, khách quốc tế gấp nhiều lần năm 2023.
Các lực lượng ứng trực, phục vụ người dân thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc. Trên công trường các dự án trọng điểm quốc gia, các công nhân, kỹ sư tự nguyện ở lại làm việc xuyên Tết với trách nhiệm cao. Các doanh nghiệp tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn.
Cũng trong dịp Tết, số người chết do tai nạn giao thông giảm dù số vụ tai nạn tăng lên; tình trạng ùn tắc giao thông nhiều nơi giảm do có kinh nghiệm hơn trong tổ chức giao thông cũng như có thêm các công trình hạ tầng giao thông mới, nhất là cầu, đường cao tốc; cháy nổ vẫn còn.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, điểm mới của năm nay là lãnh đạo nhiều nước gửi điện mừng Tết Nguyên đán tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Qua dịp Tết năm nay, Thủ tướng chỉ ra 6 bài học kinh nghiệm: Chủ động thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư, ban hành kịp thời chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hóa, triển khai; chủ động, tích cực chuẩn bị hàng hóa (lượng hàng tăng 10%), chuẩn bị kiểm soát giá cả tốt hơn nên không khan hàng, sốt giá, chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm điện, nước; huy động cả hệ thống chính trị tham gia chuẩn bị, chăm lo Tết cho nhân dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể; các chương trình văn hóa đón Tết vui Xuân được tổ chức lành mạnh, vui tươi, tạo động lực, truyền cảm hứng cho người dân; động viên kịp thời, có chính sách phù hợp với các lực lượng ứng trực; làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân.
Về công việc sau Tết, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở kết luận của Thường trực Chính phủ, ý kiến tham gia của các đại biểu, VPCP phủ tiếp thu, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay Chỉ thị về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tạị cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân trên tất cả các lĩnh vực. Tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội sau Tết, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 42-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, với mục tiêu toàn diện, bao trùm, hiện đại, bền vững về an sinh xã hội.
Tổ chức các lễ hội sau Tết an toàn, lành mạnh, phát huy bản sắc dân tộc, phục vụ du lịch tốt hơn. Tiếp tục chăm lo bảo vệ sức khỏe người dân, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, kiên quyết đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, thù địch.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
Thủ tướng yêu cầu kịp thời báo cáo Ban Bí thư về công tác tổ chức Tết cho nhân dân./.
Nguồn: Chinhphu.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT