zalo chat
Đường dây nóng: (Giờ hành chánh) (0251).388.3660
THÔNG ĐIỆP 2K CỦA BỘ Y TẾ                                                                                                 Khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.                                                                                                  Bắt buộc đeo khẩu trang đối với một số đối tượng cụ thể.                                                                                                  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.                                                                                                  Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        BỆNH VIỆN ĐA KHOA THỐNG NHẤT - ĐỒNG NAI CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19.                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Bộ y tế

Thủ tướng tiếp tục yêu cầu triển khai thần tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mùa Xuân

27/01/2022 - 170

Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu triển khai thần tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mùa Xuân năm 2022 đã được Thủ tướng phát động; tiếp tục nghiên cứu để triển khai các thủ tục và tiêm vacccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi...

Sáng ngày 27/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về công tác phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Cùng dự cuộc họp tại trụ sở Chính phủ có các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cuộc họp nhằm rà soát, đánh giá công tác phòng chống dịch từ cuộc họp lần trước của Ban Chỉ đạo, những vấn đề nổi lên cần lãnh đạo, chỉ đạo, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời, định hướng những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Mục tiêu là vừa phòng chống, kiểm soát dịch hiệu quả, vừa tổ chức cho nhân dân đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các giải pháp để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong dịp Tết.

Tự tin để mở cửa trở lại an toàn nhưng tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa Xuân năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ phát động, với mục tiêu đến hết tháng 1, hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12-17 tuổi, trong quý I, hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, trừ các đối tượng chống chỉ định; tiếp tục nghiên cứu để triển khai các thủ tục và tiêm vacccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Thủ tướng nêu rõ, biến chủng Omicron đã xâm nhập vào nước ta, nên chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong dịp Tết, đồng thời chúng ta cũng có cơ sở để tự tin trong công tác phòng chống dịch, với tỷ lệ người dân đã được tiêm vaccine và chúng ta cũng đã có nhiều kinh nghiệm hơn, đúc kết được các phương châm, công thức phòng chống dịch.

Gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đã chủ trì cuộc họp về lộ trình mở cửa trường học; phương án, kế hoạch và lộ trình mở cửa đón khách du lịch an toàn, hiệu quả. Các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội đã nhấn mạnh phải ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ phòng chống dịch, phòng chống dịch hiệu quả thì mới yên tâm mở cửa trở lại tổng thể nền kinh tế.

Số ca COVID-19 nặng và tử vong đều giảm

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết , đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Tuy vậy, số mắc mới vẫn tiếp tục ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước với khoảng 15.000 ca mỗi ngày.

Thủ tướng tiếp tục yêu cầu triển khai thần tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mùa Xuân - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Vũ Khuyên

So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng giảm 4,1%, số tử vong giảm 13,8%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 7,3%, số ca nặng, nguy kịch giảm 13,9%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 21,2%, số ca tử vong giảm 7,5%, số ca khỏi bệnh tăng 6,2%, nguy kịch giảm 11,6%. So sánh giữa tháng 01/2022 và tháng 12/2021, số ca tử vong/100.000 dân của tháng 01/2022 ghi nhận là 5 ca (giảm 2 ca so với tháng trước).

Việt Nam đã ghi nhận 166 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, trong đó có 06 trường hợp phát hiện trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (5), Hà Nội (1) và 160 trường hợp nhập cảnh từ 22 quốc gia trên 49 chuyến bay và qua 01 cửa khẩu đường bộ (Mộc Bài - Tây Ninh). Các hành khách đi cùng đã được cách ly, theo dõi, quản lý ngay khi nhập cảnh, sức khỏe ổn định.

Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền).

Bộ Y tế thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Đảm bảo công tác khám chữa bệnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Tính đến ngày 26/01/2022, Việt Nam đã tiếp nhận 211,9 triệu liều vaccine, phân bổ 194,2 triệu liều (còn khoảng 17,7 triệu liều đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine), đã tiêm được 178,8 triệu liều. Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm mũi 1,2,3 tương ứng 100%, 95,7% và 22,3%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1, 2 đạt tỷ lệ 95,2% và 86,0%.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch, tổ chức hiệu quả phân luồng, phân tuyến điều trị; bảo đảm hoạt động hiệu quả của các bệnh viện dã chiến điều trị người bệnh COVID-19 trong dịp Tết; xây dựng phương án dự trữ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị và bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, nhất là ôxy y tế để sẵn sàng đáp ứng chống dịch và đảm bảo công tác điều trị dịp Tết Nguyên đán 2022.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP và hoàn thiện ban hành hướng dẫn sửa đổi đánh giá cấp độ dịch tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương phối hợp, tham gia đón người dân từ các nơi trở về an toàn, không ngăn sông cấm chợ; đề cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch dịp Tết, đề nghị người dân di chuyển về địa phương bảo đảm an toàn trật tự, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp. Bộ Y tế đã hướng dẫn về việc thực hiện theo dõi cách ly y tế tại nơi lưu trú cho tất cả các công dân, các chuyến bay.

Với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phù hợp với tình hình dịch bệnh và tạo điều kiện phát triển kinh tế, ngày 16/12/2021, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 10688/BYT-MT về việc phòng chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh, trong đó người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú trong 03 ngày đầu; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 3 nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn




Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT

× Thành công! Câu hỏi của bạn đã được tiếp nhận. Cảm ơn quý vị đã gửi tin nhắn, vì tính chất công việc, câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.