Làm việc với tỉnh Bình Dương, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu là cố gắng kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất có thể, chậm nhất tới 15/9 phải kiểm soát được tình hình. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng dự cuộc làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện lãnh đạo các bộ ngành.
Cuộc làm việc được tổ chức trực tuyến tới 91 xã, phường trên toàn tỉnh Bình Dương.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng và đoàn công tác đã tới thị sát các cơ sở điều trị COVID-19 tại TP. Thuận An theo phương châm đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn; kiểm tra công tác đáp ứng các nhu cầu thiết yếu nhất cho cuộc sống nhân dân ngay tại xã, phường theo tinh thần không để ai thiếu ăn, thiếu mặc. Thủ tướng cũng tới thăm Công ty TNHH Saigon Stec tại TP. Thủ Dầu Một, doanh nghiệp chuyên cung cấp module máy ảnh cho máy tính bảng, điện thoại và là Công ty đang thực hiện có hiệu quả mô hình “3 tại chỗ”.
Cũng trong sáng 27/8, theo chỉ đạo của Thủ tướng, 3 đoàn công tác khác của Trung ương đã làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tập trung kiểm tra, giám sát, thúc đẩy, động viên các cơ sở, xã, phường, nhà máy trong phòng chống dịch.
Triển khai Công điện 1099 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Dương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với yêu cầu: Người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở yên đó” tại 11 phường của TP. Thuận An, thị xã Tân Uyên (từ 22/8) và 4 phường của TP. Dĩ An (từ 23/8); 4 huyện thuộc “vùng xanh” thực hiện Chỉ thị 16, các khu vực khác thực hiện Chỉ thị 16+.
Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng đề nghị Bình Dương đánh giá kết quả sau 4 ngày thực hiện tăng cường giãn cách theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, Công điện 1099 của Thủ tướng.
Thực hiện hiệu quả chiến lược lấy xã, phường làm “pháo đài” chống dịch
Báo cáo Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết đến nay toàn tỉnh có hơn 86.000 ca F0 và 47.800 người đã khỏi bệnh. Tỉnh đang triển khai đợt xét nghiệm cho 1,5 triệu người, qua đó phát hiện hơn 41.000 F0 trong cộng đồng và 323 ca trong 130 công ty.
Bình Dương thực hiện phân loại các địa phương vùng xanh, vàng, đỏ trên bản đồ COVID-19. Theo đó, các địa phương “vùng đỏ” phải tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, cách ly sớm, thu hẹp phạm vi có dịch, dập dịch nhanh nhất có thể. Các địa phương “vùng vàng” (thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng) phải chủ động, quyết liệt, khẩn trương làm sạch các ca F0, giảm thiểu thấp nhất F1, F2 để nhanh chóng chuyển thành vùng xanh. Những nơi đang là “vùng xanh” (các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên) phải quyết tâm giữ vững và bảo vệ bằng được để sớm ổn định tình hình, đồng thời làm cứ địa, vùng đệm vững chắc cho các địa phương khác.
Về thực hiện chiến lược giảm ca tử vong, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là phải bóc tách nhanh nhất các ca F0 ra khỏi công đồng, hạn chế số ca F0 tăng nhanh, giảm thiểu thấp nhất tử vong. Tỉnh đã chỉ đạo thần tốc công tác xét nghiệm diện rộng, điều tra dịch tễ, truy vết, cách ly, lấy mẫu, những nơi nào đã xét nghiệm sàng lọc phải khóa chặt, kiểm soát người ra, người vào; thực hiện trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất…
Tỉnh thực hiện phân tầng điều trị theo mô hình 3 cấp để giảm tải cho các cơ sở điều trị tuyến tỉnh, đồng thời điều phối F0 giữa 3 tầng (tầng 1 chiếm 60%, tầng 2 chiếm 35%, tầng 3 chiếm 5%). Trong đó, tầng 3 có 837 giường ICU; tầng 2 có 24 khu điều trị với gần 19.000 giường; 236 điểm điều trị thuộc tầng 1, bao gồm nhiều trạm y tế lưu động tại xã, phường.
Tỉnh đang xây dựng kế hoạch ứng phó với kịch bản số ca nhiễm có thể tăng cao hơn, cụ thể là 150.000 ca. Bình Dương đã tiêm vaccine cho hơn 806.000 người trên tổng số 2,5 triệu dân.
Về an sinh xã hội, 11/11 phường thuộc vùng đỏ đã được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày, tương đương 750.000 đồng trong 15 ngày. Tất cả người dân được hỗ trợ, không phân biệt. Trước khi tăng cường giãn cách, Bình Dương đã có gói 210 tỷ đồng hỗ trợ cho 700.000 người lao động ở trọ. Người ở các khu trọ được hỗ trợ 500.000 đồng/người; nếu người dân nào ở khu trọ mà có hoàn cảnh khó khăn thì được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người.
Tỉnh hiện có 3.500 doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ" với 350.000 đến 400.000 lao động.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bình Dương có 15 “vùng đỏ” với khoảng 800.000 người. Ông nhấn mạnh phải coi đây là địa bàn trọng tâm, trọng điểm vì vấn đề giảm mật độ dân rất khó khăn.
Bộ trưởng đề nghị địa phương phải nhanh chóng chuyển công năng của 50 khu cách ly tạm thời thành 50 cơ sở y tế, phải có bình oxy, phải có trang thiết bị tối thiểu, thuốc cơ bản theo danh mục Bộ Y tế đã hướng dẫn, có nhân viên y tế.
Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của Tổ công tác của Bộ Y tế thường trực tại Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị địa phương phải tìm giải pháp giảm mật độ tiếp xúc ở các khu lưu trú của công nhân, người lao động, đồng thời lưu ý công tác đảm bảo an sinh cho người dân trong vùng được "khoá chặt".
Đánh giá cao và nhất trí với chiến lược xét nghiệm của tỉnh Bình Dương, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh Bình Dương nói chung và thị xã Tân Uyên cần triển khai việc hướng dẫn cho người dân thực hiện xét nghiệm tại nhà. Tại những "vùng đỏ", tất cả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính phải coi là bệnh nhân ngay và phải tiến hành điều trị ngay, không chờ kết qủa xét nghiệm PCR.
Cho rằng mô hình mỗi trạm y tế lưu động của địa phương đều có xe cấp cứu lưu động là rất cần thiết, nhưng Bộ trưởng đề nghị các trạm này phải gắn với quản lý, theo dõi, điều trị người bệnh F0 tại cơ sở y tế chăm sóc, điều trị F0 của tuyến xã, phường.
Về đề xuất hỗ trợ thêm nhân lực của địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế sẽ hỗ trợ thêm nhưng địa phương cũng phải tiết kiệm nhân lực, điều phối, sử dụng có hiệu quả nhất.
Về công tác tiêm vaccine COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tập trung tiêm ngay và tiêm nhanh cho các vùng đỏ, cho người trên 50 tuổi. Phải tiêm nhanh nhất, bảo đảm an toàn nhất cho người dân.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần đại đoàn kết, tương thân, tương ái, huy động mọi nguồn lực hợp pháp từ con người, vật chất, tài chính… cho công tác phòng chống dịch. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Các xã, phường phải quán triệt tới từng người dân
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương trong quá trình phòng chống dịch và đẩy mạnh sản xuất những lúc dịch bệnh được kiềm chế trong hơn 1 năm qua. Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương, ghi nhận vai trò quyết định của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã ủng hộ, tham gia, đóng góp cho công cuộc phòng chống dịch, thực hiện mục tiêu kép dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, việc tổ chức thực hiện của chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Việc phòng chống dịch tại Bình Dương lần này đã đạt những kết quả nhất định, 4 huyện đang kiểm soát được tình hình (vùng xanh), 2 đơn vị cấp huyện đang chuyển từ vàng sang xanh. Tuy nhiên, tại 3 địa phương (Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên) dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhất là tại 15 xã, phường thực hiện tăng cường giãn cách, cần tập trung nhiều hơn, cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn các biện pháp phòng chống dịch.
Thủ tướng nêu rõ mục tiêu là cố gắng kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất có thể, chậm nhất tới 15/9 phải kiểm soát được tình hình theo quy định của Bộ Y tế, nhanh chóng đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép. Những nơi đủ điều kiện thì tiếp tục sản xuất an toàn.
Phát biểu với lãnh đạo các xã, phường tại Bình Dương, Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại và nhấn mạnh quan điểm lấy xã phường, nhà máy, xí nghiệp là pháo đài, người dân là chiến sĩ. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân, mỗi người dân vừa là trung tâm được phục vụ, vừa là chủ thể phòng chống dịch.
Thủ tướng yêu cầu các xã, phường tiếp tục thực hiện nghiêm, thực chất việc giãn cách, người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, triệt để khắc phục tình trạng “chặt ngoài lỏng trong”. Muốn vậy, ngay tại cấp cơ sở phải làm bằng được việc bảo đảm cho người dân không thiếu ăn thiếu mặc, đáp ứng lương thực, thực phẩm; đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời các xã, phường kêu gọi, vận động, thuyết phục, đề nghị người dân chia sẻ khó khăn, tích cực, chủ động cộng tác, thực hiện các biện pháp đã đề ra.
Địa phương cần giải thích rõ cho nhân dân hiểu việc thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch là nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người, vì sức khỏe của mình, của cộng đồng và sự phát triển của quốc gia dân tộc. Lãnh đạo các xã, phường phải kiểm tra, rà soát để bảo đảm khi người dân gọi do thiếu ăn, thiếu mặc thì xã phường phải đáp; người dân gọi khi cần dịch vụ y tế thì lực lượng y tế phải đáp. Đây là điều hết sức quan trọng, Thủ tướng nhấn mạnh.
Lưu ý công tác chuẩn bị các kho dự trữ về an sinh xã hội, Thủ tướng hoan nghênh các xã, phường đã chuẩn bị khá tốt nhưng cần chuẩn bị chu đáo hơn, sẵn sàng hơn. Lực lượng quân đội sẽ hỗ trợ việc vận chuyển các gói an sinh tới người dân. Lực lượng công an phải làm tốt việc rà soát, đưa những người lang thang, cơ nhỡ về các cơ sở tập trung để quản lý, chăm sóc.
Trong lúc thực hiện giãn cách, phải tiến hành xét nghiệm thần tốc, kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế để nhanh chóng phát hiện, phân loại, điều trị F0, bóc tách nguồn lây khỏi cộng đồng. Tiếp cận người bệnh sớm nhất, hướng dẫn, điều trị kịp thời, phù hợp, từ sớm, từ xa, từ cơ sở, chuyển kịp thời các ca nặng lên tuyến huyện, tuyến tỉnh. Bộ Y tế tiếp tục ưu tiên vaccine và thuốc điều trị cho Bình Dương.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần đại đoàn kết, tương thân, tương ái, huy động mọi nguồn lực hợp pháp từ con người, vật chất, tài chính… cho công tác phòng chống dịch. “Rất xúc động khi có người đã nghỉ hưu, người từ cơ sở y tế tư nhân tình nguyện vào làm việc tại các cơ sở điều trị COVID-19”, Thủ tướng nhắc lại câu chuyện xúc động tại buổi kiểm tra sáng cùng ngày.
Thủ tướng lưu ý có thể di dời, sơ tán một số người dân từ "vùng đỏ" sang "vùng xanh" để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực như kinh nghiệm đã được thực hiện tại một số tỉnh phía bắc, sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú… cho việc này.
Bình Dương phải tiếp tục động viên, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất an toàn, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất…
Bộ Thông tin Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các nền tảng đã có như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý, hỗ trợ tổ chức xét nghiệm, tiêm chủng… hiệu quả hơn.
Về tổ chức thực hiện, Bí thư cấp ủy phải là Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch; thành lập trung tâm chỉ huy phòng chống dịch do Chủ tịch là chỉ huy trưởng, nhất là tại cấp xã phường, tổ chức ứng trực 24/24. Xây dựng các kịch bản, phương án để chuẩn bị nguồn lực, không bị động trong tình huống số ca mắc cao hơn. Lực lượng y tế, quân đội, công an hỗ trợ ngay các yêu cầu của địa phương về y tế. Lực lượng quân y tiếp tục tăng cường cho xã phường, nhất là vùng đỏ.
Trong buổi sáng cùng ngày, Thủ tướng đã tới kiểm tra tình hình ứng trực của trạm y tế lưu động phường Bình Chuẩn, một "vùng đỏ" dịch COVID-19 tại TP. Thuận An. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng nêu rõ quan điểm, chủ trương đã đúng thì phải có nhận thức thống nhất, kiên trì mục tiêu và biện pháp, tăng cường nguồn lực, tổ chức thực hiện thật nghiêm, nhất quán, hiệu quả để đạt mục tiêu đã đề ra. “Phải phân công rõ người, rõ việc. Phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của các cấp, các ngành, nhưng tỉnh tăng cường giám sát, kiểm tra huyện, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát xã, phường, thị trấn, nhà máy, cơ sở. Đã xác định cơ sở là pháo đài thì không được bỏ quên pháo đài”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhấn mạnh, đã quyết tâm rồi phải có quyết tâm cao hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết rồi phải đoàn kết hơn nữa, đã phối hợp chặt chẽ rồi phải chặt chẽ hơn nữa, đã có kết quả rồi phải đạt kết quả cao hơn nữa. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu và bày tỏ tin tưởng chậm nhất ngày 15/9, Bình Dương sẽ kiểm soát được tình hình.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cam kết với Thủ tướng và đoàn công tác, tỉnh sẽ nỗ lực cao nhất để đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới vào ngày 15/9 và trong quý IV sẽ ổn định và phát triển trở lại. /.
Nguồn: Chinhphu.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT