Sáng 17/9/2020, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức phiên họp nghe báo cáo về tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2020 ước thực hiện cả năm, giai đoạn 2016-2020 và dự kiến đề xuất các chỉ tiêu kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021, giai đoạn 2021-2026 thuộc lĩnh vực y tế - dân số.
Tham dự phiên họp còn có Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban.
Ước đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao
Tại phiên họp, báo cáo thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 thuộc lĩnh vực y tế - dân số, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng nhiều đến ngành Y tế. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Y tế và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân đã đạt được kết quả. Trong đó các chỉ tiêu Quốc hội giao như về số giường bệnh trên vạn dân và tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đều đạt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết 85/2019/QH13 và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết 142/2016/QH13. Đồng thời dự báo đạt được một số chỉ tiêu khác như: tuổi thọ trung bình tăng, tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ em giảm mạnh.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại phiên họp
Về kết quả chung, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân đạt được nhiều kết quả. Y tế dự phòng được tăng cường, được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong các nước phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả. Quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, an toàn thực phẩm, môi trường y tế, kiểm soát các yếu tố nguy cơ đối với sức khoẻ có kết quả tích cực. Mạng lưới cơ sở y tế cả công lập và ngoài công lập phát triển rộng khắp. Năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh được nâng lên. Hoạt động của y tế cơ sở có tiến bộ. Cơ chế hoạt động, tài chính, giá dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập được đổi mới, nhiều bệnh viện công lập đã tự chủ được tài chính. Sản xuất thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế có nhiều tiến bộ, đã sản xuất được 11/12 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, máy thở cho phòng, chống dịch. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản trị y tế, khám bệnh, chữa bệnh, quản lý sức khoẻ người dân. Nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, tiên tiến được áp dụng. Tình trạng quá tải, nhất là tuyến Trung ương và tuyến cuối từng bước được khắc phục.
Một trong những kết quả nổi bật trong hoạt động của ngành Y tế năm qua là y tế dự phòng được tăng cường, ngăn chặn sự xâm nhập của các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Ebola, Mers-CoV, duy trì kết quả tiêm chủng, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, triển khai phòng, chống dịch bạch hầu ở các tỉnh Tây Nguyên, tích cực triển khai Chương trình sức khỏe Việt Nam, chú trọng dự phòng, phát hiện sớm, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ triển khai nhiều giải pháp mạnh để phòng, chống dịch COVID-19; cùng với đó đã xây dựng và ban hành trên 50 văn bản hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19, từ giám sát, phát hiện, truy vết, cách ly, xét nghiệm, phòng, chống dịch tại nơi công cộng, cơ quan, đơn vị…đến điều trị, thực hiện tốt công tác phát hiện sớm, khoanh vùng gọn, xét nghiệm nhanh để không chế dịch lây lan. Được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong các nước phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả.
Về thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 của Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng cho biết về cơ bản đã tổ chức quản lý, thực hiện các Dự án đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 theo đúng quy định của Luật đầu tư công, Luật xây dựng, các văn bản hướng dẫn, thực hiện của các Bộ, cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính. Mặc dù vốn đầu tư công từ ngân sách trong nước (trừ cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức) được giao 5 năm bằng 84,6% so với trung hạn nhưng Bộ Y tế đã tập trung vốn cho một số dự án, đến nay đã hoàn thành 28 dự án, tăng số giường bệnh, phòng khám, các trung tâm chất lượng cao nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu, dự phòng, phục vụ ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Khuyến khích các đơn vị huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư do một số dự án. Các dự án trái phiếu Chính phủ, các Dự án đầu tư các Viện, trung tâm giám định pháp y, pháp y tâm thần hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống y tế nhất là các bệnh viện chuyên khoa, lão khoa, các cơ sở giám định mà hệ thống hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu. Các Dự án ODA đã đầu tư được trang thiết bị, cải tạo cơ sở hạ tầng, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, các trạm y tế xã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến dưới.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết bên cạnh kết quả tích cực vẫn còn một số tồn tại hạn chế như tình trạng thiếu công bằng trong chăm sóc sức khỏe về khả năng tiếp cận dịch vụ, thụ hưởng các dịch vụ có chất lượng. Chênh lệch chỉ số sức khỏe giữa các vùng miền còn lớn. Chưa thực hiện tốt việc quản lý, tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân. Chất lượng, trình độ chuyên môn ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu. Còn quá tải ở các bệnh viện Trung ương. Quản lý hành nghề y tư nhân còn hạn chế. Đội ngũ bác sĩ, dược sỹ phân bổ, sử dụng chưa hợp lý. Chưa đầu tư thỏa đáng cho phát triển y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế ở vùng khó khăn. Việc giao tự chủ cho các đơn vị ở nhiều địa phương còn chưa đúng quy định. Về giải ngân vốn đầu tư công còn chậm do năng lực của nhiều chủ đầu tư còn hạn chế, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực thi các quy định, về tổ chức quản lý dự án.
Phấn đấu đạt thứ hạng cao về y tế - chăm sóc sức khỏe so với khu vực
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, trong giai đoạn tới Bộ chủ động xác định mục tiêu chung: phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững và hội nhập quốc tế, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.
Bộ Y tế cũng đã đề ra nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025 là: Đổi mới mạnh mẽ toàn diện ngành Y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân. Phấn đấu đạt thứ hạng cao về y tế - chăm sóc sức khỏe so với các nước ASEAN và khu vực Tây Thái Bình Dương.
Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội làm việc với Bộ Y tế
Các nhiệm vụ chủ yếu được Bộ xác định tập trung hoàn thành các chương trình, đề án, nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết: 18/NQ-TW; Nghị quyết 19/NQ-TW, Nghị quyết 20/NQ-TW; Nghị quyết 21/NQ-TW; đặc biệt là hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia theo Luật quy hoạch, Nghị quyết TW 20/NQ-TW: chuyển một số đơn vị thuộc TW về địa phương quản lý. Hoàn thành mô hình trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, mô hình trung tâm y tế đa chức năng trực tiếp quản lý trạm y tế xã. Hình thành cơ quan kiểm soát bệnh tật trung ương và một số vùng; cơ quản quản lý thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế tại Trung ương và vùng.
Hoàn thiện thể chế, các luật tạo hành lang pháp lý phát triển Ngành, trong đó tập trung hoàn thành 06 dự án Luật gồm Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Dân số, Luật phòng bệnh, Luật Chuyển đổi giới tính, Luật Lấy ghép hiến mô, bộ phận cơ thể người (sửa đổi).
Cùng với đó, nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng, bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các tuyến. Đổi mới công tác dân số, chú trọng chất lượng dân số. Đổi mới căn bản toàn diện công tác đào tạo nguồn nhân lực, cấp chứng chỉ hành nghề. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị bệnh tật. Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị y tế, sinh phẩm, vật tư, thuốc để chủ động trong phòng, chống dịch bệnh và điều trị. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính, đầu tư để tạo đột phá trong đầu tư hạ tầng, trang thiết bị.
Làm rõ các giải pháp cho giai đoạn tới
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao việc thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế năm qua nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, toàn Ngành tập trung cho phòng chống dịch bệnh đồng thời vẫn bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu Quốc hội giao trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Cơ bản nhất trí với các kết quả và một số tồn tại hạn chế như báo cáo của Bộ Y tế, các đại biểu cũng đề nghị có giải trình làm rõ một số vấn đề nổi lên hiện nay như việc bố trí ngân sách cho y tế dự phòng trong giai đoạn tới, đầu tư cho y tế cơ sở; vấn đề quản lý trang thiết bị y tế, thực hiện xã hội hóa, hướng dẫn thực hiện tự; vấn đề quản lý thuốc, chất hướng thần, thực phẩm chức năng; tăng cường kiểm tra thanh tra xử lý vi phạm trong ngành….Bên cạnh đó các đại biểu cũng đề nghị làm rõ các giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc giữa khám chữa bệnh với chi trả của bảo hiểm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai đề nghị Bộ làm rõ các đề xuất của Bộ trong việc tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cả chi phí quản lý, khấu hao; ban hành mức giá tối đa của các dịch vụ theo yêu cầu theo nguyên tắc tính đầy đủ chi phí; hợp tác công tư (PPP).
Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra một số vấn đề còn bất cập cần được tập trung giải quyết. Theo đó cần có nhận thức đúng về vấn đề tự chủ. Đầu tư và giải ngân cho ngành Y tế còn nhiều bất cập. Nhìn nhận lại cách hỗ trợ của ngân sách trong chi trả bảo hiểm. Khó khăn trong phát triển y tế cơ sở cần đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị có cơ chế tuyển dụng và có cơ hội thăng tiến nghề nghệp và nâng cao tay nghề cho bác sĩ. Còn bất cập trong cơ chế đầu tư như đấu thầu tập trung, quản lý giá thuốc, vật tư thiết bị. Xã hội hóa trong y tế còn bất cập thiếu đồng bộ, ổn định dẫn đến bức xúc trong thực tế, cần quy định rõ định mức đầu tư, tỷ xuất đầu tư.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi kết luận nội dung phiên họp
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến thảo luận tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện các báo cáo để chuẩn bị cho phiên họp toàn thể Ủy ban cũng như trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tới.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện các báo cáo theo hướng có thêm đánh giá kết quả sâu sắc hơn nhất là việc tập trung phòng chống dịch COVID-19 trong đó thể hiện chủ động, bài bản, sáng tạo hiệu quả cùng với đó là thách thức từ đại dịch làm thay đổi phương pháp khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe Nhân dân; cùng với đó là điểm rõ nét kết quả trong sắp xếp tổ chức bộ máy, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin với 281 dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4, chất lượng khám chữa bệnh cùng với tinh thần thái độ của đội ngũ cán bộ y bác sĩ nâng lên, qua giám sát ghi nhận sự hài lòng trong Nhân dân tăng lên; tập trung chỉ đạo kịp thời giải quyết các vụ việc trong Ngành.
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng chỉ ra một số tồn tại trong giải ngân vốn đầu tư công, bất công bằng trong chăm sóc sức khỏe mà muốn giảm được phải phát triển y tế cơ sở; vi phạm đấu thầu mua sắm trang thiết bị; phân tích đánh giá làm rõ tồn tại mất cân đối nhân lực ngành Y tế; xem xét quy hoạch phát triển cơ sở khám chữa bệnh.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị Bộ Y tế làm rõ nội hàm các kiến nghị; đồng thời có giải pháp tham mưu về tự chủ bệnh viện phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và túi tiền của người dân; rà soát bảo đảm chi được cho 30% cho y tế dự phòng; phát triển mô hình bác sĩ gia định, khám chữa bệnh từ xa; đánh giá đủ về già hóa dân số- gắn với chăm sóc sức khỏe Nhân dân; trình dự toán ngân sách chi cho y tế cho thuyết phục trong giai đoạn tới./.
Nguồn: Báo Quốc hội
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT