Bộ y tế
Tiếp tục nâng cao hiệu quả kết công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em
26/12/2023 - 157
Chiều ngày 22/12/2023, tại TP Cần Thơ, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tổng kết công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024. GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị
Tham dự hội nghị có GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện một số Vụ, Cục. đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa sản- nhi, chuyên khoa nhi...
GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Trong năm qua, đội ngũ cán bộ y tế nói chung và mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản trên toàn quốc đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ và Bộ Y tế giao. Trong đó, mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản được củng cố và phát triển.
Năm 2023 là năm đột phá trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các hướng dẫn chuyên môn; hợp tác quốc tế ngày được củng cố. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững đã được đẩy mạnh triển khai từ Trung ương đến địa phương; đã phân công lại công tác chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện đầu ngành và một số bệnh viện phát triển mạnh, vươn lên về lĩnh vực sản phụ khoa cho phù hợp và hiệu quả hơn. Các chỉ tiêu chuyên môn như chăm sóc trước, trong và sau sinh; giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh; giảm suy dinh dưỡng thấp còi đều đạt chỉ tiêu Chính phủ giao cho Bộ Y tế.
Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Văn Thuấn, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản còn gặp nhiều tồn tại, hạn chế: tử vong mẹ, tử vong trẻ em có sự chênh lệch khác biệt rất lớn gấp 2-3 lần giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa các nhóm dân tộc.
Tình trạng suy dinh dưỡng vẫn còn cao ở một số khu vực; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi vẫn còn mức cao, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong khi tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em lại có xu hướng gia tăng ở khu vực đồng bằng và thành thị. Tỷ lệ phụ nữ mắc và tử vong do các bệnh không lây nhiễm đặc biệt là ung thư vú, ung thư cổ tử cung, tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ có xu hướng gia tăng...
Trong khi cơ sở vật chất và trang thiết bị về chuyên ngành sản nhi còn khó khăn, chưa đáp ứng đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn được giao; đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn còn hạn chế, nhất ở tuyến huyện, xã, vùng sâu, vùng xa... đầu tư ngân sách còn hạn hẹp, chưa tương xứng với nhiệm vụ và nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân.
Quang cảnh hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em phối hợp với các bệnh viện đầu ngành sản nhi, các Hội nghề nghiệp xây dựng và tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành các hướng dẫn chuyên môn cập nhật, các chiến lược can thiệp nhằm tiếp tục giảm tình trạng bệnh tật, suy dinh dưỡng và tử vong ở bà mẹ và trẻ em, đặc biệt là các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc về các chỉ số sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Trong năm 2024, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em tập trung hướng đến mục tiêu: Cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản của người dân, tập trung vào giảm sự khác biệt giữa các vùng miền về tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, tử vong trẻ em và tình trạng dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em. Đồng thời tăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng dự phòng các bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con, dự phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho những đối tượng thiệt thòi/dễ bị tổn thương như: vị thành niên; công nhân lao động chưa kết hôn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; người khuyết tật, người bị xâm hại tình dục.../.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT