Bộ y tế
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục xây dựng bộ máy nhà nước đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
31/10/2024 - 35
Sáng 31/10, phát biểu tại Tổ 12 (gồm các Đoàn ĐBQH: Bắc Kạn, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình) về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng bộ máy nhà nước bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cần các chính sách đặc thù để thành phố Huế trở thành cực tăng trưởng của khu vực
Phát biểu định hướng một số nội dung liên quan đến Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, nội dung này đã có quá trình chuẩn bị rất lâu. Trung ương đã bàn bạc và thống nhất cho rằng, quan trọng nhất là có đủ các căn cứ và tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương. Nhà nước cũng phải tính toán cơ cấu vùng, khu vực để thành phố Huế trở thành một cực tăng trưởng của khu vực. Hiện nay, chúng ta có 05 thành phố trực thuộc Trung ương, nếu Quốc hội thông qua Đề án này sẽ có 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Các thành phố này đều đóng vai trò dẫn đầu trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Tổ 12
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến tiêu chí rất quan trọng là triển vọng phát triển, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Huế cần có cơ chế đặc thù, đặc biệt để phát triển đi đầu và dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội.
Về mục tiêu phát triển, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng cần quan tâm đến sự phát triển bền vững và hài hòa. Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu thống nhất cho rằng, thành phố Huế đủ điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng còn một số hạn chế cần tiếp tục tìm giải pháp để hoàn thành các tiêu chí như quy hoạch, dân số, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa… để thành phố Huế thể hiện rõ vai trò dẫn đầu, là một cực tăng trưởng, cực đổi mới sáng tạo. Các chính sách đặc thù được nêu trong Đề án cũng nhằm điều kiện để đầu tư đổi mới sáng tạo, là những bước đi ban đầu thử nghiệm những chính sách mới, nếu làm tốt sẽ nhân rộng ra cả nước…
Đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy nhà nước
Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư cho biết, có một số đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về mô hình chính quyền đô thị, bộ máy quản lý nhà nước làm sao hiệu lực, hiệu quả. Tổng Bí thư khẳng định, đây là vấn đề rất lớn, Trung ương đang tập trung bàn thảo làm sao tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước; không hình thức để đảm bảo đúng thực chất, áp dụng không chỉ cho thành phố Hải Phòng mà của cả nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu
Nghị quyết số 17-NQ/TW về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đã đánh giá, bộ máy quản lý nhà nước còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp và tinh gọn. “Thời gian qua, chúng ta mới sáp nhập từ dưới lên, xã, huyện, một số bộ, ngành, vụ, cục, tổng cục. Trung ương tinh gọn thì địa phương sẽ tinh gọn, cách thức tiến hành như thế nào, đây là vấn đề rất lớn, phải tính đến”.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết Trung ương trong mấy nhiệm kỳ qua đều nêu chủ trương về sự cần thiết tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. “Sắp tới các ban của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải gương mẫu, phải rất thẳng thắn, mạnh dạn và nhìn nhận nếu không tinh gọn bộ máy thì không thể phát triển được”.
Lấy dẫn chứng cho vấn đề này, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, khoảng 70% ngân sách dùng để chi trả lương, chi thường xuyên, như vậy tỷ lệ ngân sách dành cho chi đầu tư phát triển thấp. Trong khi các quốc gia khác chi trên 40% ngân sách cho trả lương và dành trên 50% ngân sách chi cho quốc phòng – an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội…
“Vì sao không thể tăng lương được là vì tăng lương ngân sách chi cho trả lương sẽ tăng lên đến 80 – 90%, không còn tiền ngân sách để cho các hoạt động khác”. Vì vậy, Tổng Bí thư đề nghị, cần phải nhìn vào thực chất để tiếp tục tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tổng Bí thư nêu thực tế, có nhiều bộ ngành bộ máy tổ chức cồng kềnh, không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, dẫn tới cơ chế xin cho làm mất thời gian của người dân và doanh nghiệp. Do đó, cần phân cấp, phân quyền, địa phương chịu trách nhiệm và những quan điểm này đã được cụ thể hóa thành chính sách, pháp luật, cần triển khai trong thực tiễn cuộc sống.
Đại biểu tham dự thảo luận Tổ 12
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu “rà soát lại tình trạng một việc nhiều người làm, nhưng không ai chịu trách nhiệm chính; cần xác định chính quyền là chính quyền phục vụ, nhưng qua rà soát có tình trạng không muốn chuyển đổi số vì tâm lý lo ngại mất việc”.
Vì vậy, cần rà soát chi tiết, việc làm nào, hành vi nào phục vụ gì và tạo điều kiện gì cho Nhân dân, có phục vụ Nhân dân tốt hơn hay không. “Tôi rất bức xúc, một tờ giấy khai sinh thôi, nhưng 5 - 6 cơ quan tham gia và người dân mất cả tuần đến 10 ngày để làm thủ tục (giấy chứng sinh, số định danh, giấy khai sinh, hộ khẩu, bảo hiểm y tế). Tại sao không ở ngay trạm y tế có thể hoàn thành tất cả các thủ tục?” Khi đó, cán bộ tư pháp không còn phải làm những việc hành chính đơn thuần, mà thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn pháp luật, tư vấn pháp luật cho Nhân dân.
Nhắc lại tinh thần cần rà soát chi tiết, cụ thể để đổi mới, Tổng Bí thư cho biết, Nghị quyết Trung ương đã nêu chủ trương, đường lối, nhưng cần phải trở thành cuộc cách mạng để thấm nhuần tư tưởng này đến từng chi bộ, đảng viên; nhiệm vụ tinh giản biên chế không chỉ là của Bộ Nội vụ, các cơ quan, bộ máy quản lý nhà nước….
Không có con đường nào khác là phải tăng năng suất lao động
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề cập đến năng suất lao động ở Việt Nam và khẳng định, một trong những chỉ tiêu chúng ta khó đạt được trong nhiệm kỳ này là chỉ tiêu năng suất lao động. Mặc dù kinh tế đang phát triển nhưng năng suất lao động thực tế và chỉ số về phát triển lại đang có xu hướng giảm. Tỷ lệ năng suất lao động giảm, đồng nghĩa với chúng ta không thể phát triển kinh tế - xã hội, do vậy chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận để đánh giá chính xác.
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm dần, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Giai đoạn 2021 – 2025, ước tăng 4,8% (so với giai đoạn 2016 – 2018, tốc độ tăng trưởng đạt 6,1% phần trăm), như vậy tốc độ tăng trưởng đang giảm xuống và mục tiêu đề tăng trưởng 6,7% của giai đoạn này có nguy cơ không đạt.
Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò quan trọng của tăng năng suất lao động đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP; tăng năng suất lao động có nghĩa là nâng cao tay nghề, ít người làm một công việc, có hàm lượng khoa học công nghệ, có cách thức quản lý tốt.
Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu
Nhìn ra các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, năng suất lao động của các quốc gia này đã vượt xa Việt Nam, do đó, phải có cơ chế, chính sách khuyến khích để tăng năng suất lao động. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, muốn phát triển bền vững, phải dựa vào nguồn lực sẵn có, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ và không có con đường nào khác là phải tăng năng suất lao động; huy động mọi người tham gia vào sản xuất, kinh doanh, chúng ta cần tận dụng tối đa thời kỳ dân số vàng để bước vào kỷ nguyên mới, bứt tốc đạt được mục tiêu đến năm 2045 là một nước phát triển có thu nhập cao. Muốn vậy, quy mô kinh tế sẽ phải gấp ba lần hiện nay, thu nhập bình quân đầu người cũng phải tăng gấp ba lần hiện nay.
Ghi nhận và chia sẻ với các ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ 12, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, những trăn trở của đại biểu cũng là những nhiệm vụ mà Trung ương sẽ phải tập trung bàn thảo; đề nghị đại biểu Quốc hội đánh giá ở góc độ này để nhìn nhận con đường phát triển, lường trước những khó khăn để có các giải pháp ứng phó.
Tổng Bí Thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh, chúng ta cần phải bỏ khái niệm “xin việc” và khẳng định chúng ta có sức khỏe, có trí tuệ, có khao khát làm việc lo cho bản thân, cho gia đình, tạo ra sản phẩm xã hội, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước và thế giới. Nhà nước phải có chính sách khuyến khích cả xã hội lao động, tiến tới tăng năng suất lao động nhưng giảm giờ làm, như vậy Nhân dân mới có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nguồn: quochoi.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT