Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Lê Thị Tuyết Mai: Tại địa bàn có hơn 30 tổ chức quốc tế liên Chính phủ, chúng tôi tự hào vì được nghe các đánh giá của các tổ chức quốc tế đánh giá về thành công trong nỗ lực ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, đồng thời duy trì được hoạt động kinh tế-xã hội, cũng như sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các nỗ lực quốc tế để ủng hộ đoàn kết quốc tế.
Điều này đã được lãnh đạo của các tổ chức quốc tế như: Liên Hợp Quốc, Hội đồng Nhân quyền, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới cũng như nhiều tổ chức quốc tế khác và đại diện các nước ở tại Geneva đánh giá cao.
Đặc biệt, họ đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các lãnh đạo cấp cao, của cả hệ thống chính trị của Việt Nam cũng như sự đồng lòng của toàn xã hội và nhân dân trong chiến dịch vaccine, cũng như phòng, chống dịch COVID-19, đưa đến kết quả ngoạn mục trong ứng phó với đại dịch như: Tỉ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao, sự an toàn, linh hoạt, kiểm soát được đại dịch và mở hoạt động kinh tế-xã hội để có được sự phát triển.
Đặc biệt, họ nhấn mạnh về khả năng cao của Việt Nam trong việc tổ chức tiếp nhận và triển khai tiêm chủng. Đây là cơ sở quan trọng để Tổ chức Y tế Thế giới có cơ chế COVAX là cơ chế vaccine toàn cầu, cũng như các đối tác quốc tế khác đã quyết định cung cấp vaccine cho Việt Nam nhanh chóng để triển khai được chiến dịch tiêm chủng lớn và chưa từng có tại Việt Nam như vậy.
Sự phối hợp giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước, giữa các cơ quan đại diện qua mô hình Tổ công tác đã kết nối lãnh đạo các bộ, ngành với toàn bộ hệ thống các cơ quan đại diện rất nhanh chóng. Vì vậy, chúng tôi nhận được các chỉ đạo và trao đổi trực tiếp với các đầu mối, dẫn đến việc triển khai rất nhanh trong công tác lựa chọn, tiếp nhận vaccine. Đây không chỉ là việc vận động vaccine, mà quan trọng là vận động cả về cách điều trị, cách chẩn đoán cũng như là các vật tư y tế để phục vụ cho công cuộc phòng, chống dịch.
Biện pháp vận động tại địa bàn đa phương đã được kết hợp rất chặt chẽ với công tác triển khai các chủ trương của trong nước. Điều này đã được Phái đoàn Việt Nam tại Geneva quán triệt chặt chẽ chỉ đạo của các lãnh đạo cấp cao và trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Địa bàn Geneva là địa bàn có trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới và trụ sở của Liên minh Vaccine Toàn cầu, trụ sở của cơ chế COVAX, nên trước tiên chúng tôi phải bám sát thông tin về các cơ chế liên quan để phối hợp với trong nước, khi chúng ta bắt đầu triển khai chiến dịch vaccine, chúng tôi nhanh chóng tổng hợp thông tin, cung cấp về trong nước các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, của Liên minh Vaccine Toàn cầu, của cơ chế COVAX. Với chiến lược của chúng ta là triển khai ngoại giao ở cấp lãnh đạo cao nhất, để bảo đảm hiệu quả, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao để tổ chức các cuộc điện đàm, trực tiếp chuyển thư của Thủ tướng Chính phủ đến Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cũng như Giám đốc điều hành cơ chế COVAX dẫn đến các cuộc gặp trực tiếp của các tổ chức này với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.
Bà Lê Thị Tuyết Mai chia sẻ về một số điểm trong kết nối, vận động với cơ chế COVAX toàn cầu, với Tổ chức Y tế thế giới và tiếp xúc, vận động trực tiếp tại địa bàn kết hợp với hoạt động ngoại giao của lãnh đạo cấp cao, trực tiếp trao đổi các cấp từ lãnh đạo của Phái đoàn đến chuyên viên. Phái đoàn Việt Nam tại Geneva đã phát biểu và trực tiếp trao đổi với các tổ chức quốc tế có liên quan trong phòng, chống dịch, không chỉ Tổ chức Y tế Thế giới, mà còn các cơ quan của Liên hợp quốc tại Geneva như Hội đồng nhân quyền hay Tổ chức Thương mại Thế giới, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới nhằm tạo thuận lợi trong tiếp cận vaccine.
Một điểm quan trọng nữa là Phái đoàn Việt Nam tại Geneva đã thông tin về trong nước về các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như nỗ lực của quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ vaccine là công nghệ tiên tiến nhất cho sản xuất vaccine COVID-19, cũng như việc phát triển các loại vaccine hiệu quả hơn.
Nhờ có việc vận động ở các cấp, đặc biệt là của lãnh đạo cấp cao, ngày 23/2/2022, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố Việt Nam là 1 trong 15 nước đầu tiên được tiếp nhận chuyển giao công nghệ vaccine để phát triển vaccine.
Từ góc độ địa bàn Geneva, bà Lê Thị Tuyết Mai nêu 3 thách thức cơ bản thời gian tới liên quan công tác phòng, chống dịch là: Y tế công cộng để bảo đảm sẵn sàng ứng phó với đại dịch; cơ chế cấp phép nhanh chóng để phục vụ trong tiếp nhận vaccine, vật tư y tế; chiến lược quốc gia về tiếp nhận, chuyển giao công nghệ vaccine tiên tiến.
Bà Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh sẽ cùng các cơ quan song phương đề nghị Chính phủ có chỉ đạo, điều hành để có chiến lược phát triển về khoa học, công nghệ, y tế, đặc biệt chú trọng năng lực phát triển vaccine và sinh phẩm để đưa Việt Nam thành trung tâm vaccine của khu vực.