Hướng tới kỷ niệm ngày Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 sắp tới, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế" với sự tham dự các vị khách mời là lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, các chuyên gia y tế để phân tích, bình luận, làm rõ hơn các thông tin, nhóm giải pháp cụ thể liên quan đến việc bảo đảm nguồn nhân lực y tế cũng như năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân.
Hơn 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều mặt đến đội ngũ y, bác sĩ, nhất là những người trực tiếp tham gia chống dịch, từ suy giảm sức khỏe thể chất, lo lắng, trầm cảm đến sụt giảm thu nhập, phụ cấp.
Không ít cán bộ, nhân viên y tế đã có suy nghĩ thay đổi công việc, chuyển chỗ làm việc. Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn dành sự tôn vinh trân trọng nhất cho những "lương y như từ mẫu" nơi tuyến đầu chống dịch.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn dành sự tôn vinh trân trọng nhất tới những "lương y như từ mẫu" nơi tuyến đầu chống dịch.
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có những chính sách hỗ trợ, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần tới lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lực lượng y tế tuyến đầu. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở phải quan tâm đặc biệt các chế độ, chính sách đối với những đối tượng này.
Chế độ đãi ngộ, sự quan tâm về vật chất và tình thần chưa đến được kịp thời tới nhiều người trong số này.
Từ thực tế đó, chúng ta phải cùng nhau bàn và có các bước cụ thể để triển khai các chính sách hỗ trợ cán bộ y tế trong thời gian chống dịch bệnh COVID-19.
Đây là việc làm yêu cầu cấp thiết giúp bảo đảm và củng cố đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là nhân lực y tế cơ sở.
Đã đến lúc chúng ta cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ, đặc thù cho lực lượng y tế ở tất cả các tuyến, các lĩnh vực, như bước chuẩn bị căn cơ để có thể ứng phó hiệu quả, kịp thời với các đại dịch có thể xuất hiện trong tương lai.
Hướng tới kỷ niệm ngày Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 sắp tới, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế" với sự tham dự các vị khách mời là lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, các chuyên gia y tế để phân tích, bình luận, làm rõ hơn các thông tin, nhóm giải pháp cụ thể liên quan đến việc bảo đảm nguồn nhân lực y tế cũng như năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân.
TỌA ĐÀM DIỄN RA VÀO 9h sáng ngày 21/2 với sự tham gia của các vị khách mời:
- Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên;
- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội;
- Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Ths.BS Đỗ Doãn Bách, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai
Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi đến các vị khách mời theo hòm thư: thongtinchinhphu@chinhphu.vn.
11:00 ngày 21/02/2022
Chúng ta đã khoác trên mình tấm áo blouse trắng, chúng ta sẵn sàng đi đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì khi nhân dân cần đến!
MC: Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 sắp tới, các vị khách mời gửi lời chúc gì tới các y, bác sĩ trên cả nước đã và đang công tác trên mọi "mặt trận", nhất là "mặt trận" chống dịch thời gian qua…
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Chuẩn bị tới Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúng tôi xin được gửi lời chúc sức khoẻ và cảm ơn tới toàn bộ, nhân viên, người lao động của ngành y tế và những người thân trong thời gian vừa qua đã không quản khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 rất tích cực làm tốt công tác chăm sóc, khám, chữa bệnh cho nhân dân, trong đó đặc biệt đã tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đến giờ có thể nói rằng thành quả đó đã góp phần đưa đất nước của chúng ta ổn định, chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Nhân buổi toạ đàm này, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động ngành y tế xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian vừa qua đã thực sự quan tâm, chỉ đạo rất sát sao với ngành y tế để bước đầu ngành hoàn thành được nhiệm vụ.
Xin trân trọng cảm ơn các bộ, ngành Trung ương, cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội từ Trung ương đến địa phương, toàn thể đồng bào, nhân dân cả nước đã phối hợp, hỗ trợ, chung sức, đồng lòng với ngành y tế trong suốt thời gian vừa qua để chúng tôi làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân và đặc biệt là trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, một lần nữa xin trân trọng cảm ơn tất cả đồng bào và nhân dân cả nước đã chung tay, góp sức với ngành y tế trong phòng, chống dịch COVID-19. Và xin chúc cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động ngành y tế hãy vững tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, của các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế, và các cấp chính quyền địa phương. Chúng ta đã khoác trên mình tấm áo blouse trắng, chúng ta sẵn sàng đi đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì khi nhân dân cần đến chúng ta trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân và công tác phòng, chống dịch.
PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu: Tôi xin chúc nhân viên y tế chúng ta ngày 27/2 sang năm đỡ vất vả hơn, hạnh phúc hơn so với 27/2 năm nay.
ThS.BS. Đỗ Doãn Bách: Tôi xin thay mặt các bác sĩ trẻ gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã hiểu và quan tâm tới toàn thể các bác sĩ và nhân viên y tế. Nhân ngày 27/2, kính chúc toàn thể y, bác sĩ chúng ta sẽ ngày càng mạnh khoẻ, cống hiến nhiều hơn nữa. Chúng tôi sẽ luôn cống hiến sức trẻ của mình để cứu chữa người bệnh và cùng đất nước vượt qua được đại dịch COVID-19 khó khăn này.
MC: Thay mặt những người làm chương trình, xin được gửi lời chúc tới các cán bộ quản lý, các nhân viên y tế, các y, bác sĩ trên cả nước tiếp tục có nhiều sức khoẻ, kiên định, tận tâm, tận tuỵ trong công tác phòng, chống dịch cũng như trên mặt trận bảo vệ sức khoẻ của nhân dân./.
10:51 ngày 21/02/2022
Để cuộc sống trở lại bình thường như cũ
MC: Với tư cách vừa là người quản lý một bệnh viện lớn, vừa là đại biểu Quốc hội – đại diện cho quyền lợi của người dân, ngoài những giải pháp mà các khách mời vừa đưa ra, ông có bổ sung thêm ý kiến gì về chế độ đãi ngộ cũng như cơ chế đặc thù dành cho cán bộ y tế tham gia phòng chống dịch, nhất là tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng?
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Với tư cách là đại biểu Quốc hội và cũng là Giám đốc bệnh viện, tôi xin đề xuất 5 ý sau:
Như chúng ta đã biết Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã có hiệu lực. Đây là Nghị quyết có tính chất quyết định trong việc thay đổi hoạt động của hệ thống y tế trong phòng, chống dịch giai đoạn mới.
Tuy nhiên, chúng ta chưa ban hành nghị định để hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này. Do đó, tôi rất mong muốn phải có nghị định của Chính phủ càng sớm càng tốt để Nghị quyết đi vào cuộc sống. Có như thế thì chúng tôi mới làm được việc. Nếu chỉ có Nghị quyết thì chúng tôi không thể hướng dẫn làm được.
Hiện nay chúng ta rất khó khăn trong việc dự toán, thanh quyết toán kinh phí điều trị COVID-19 và chi phí phòng, chống dịch do chưa có nghị định hướng dẫn.
Thứ hai là quy định cụ thể trong Nghị quyết có nhưng chưa có nghị định hướng dẫn. Nghị quyết có nội dung các bệnh viện phải có trách nhiệm ứng dụng công nghệ thông tin phần thu, chi trong khám, chữa bệnh để tránh quá tải bệnh viện tuyến trên, đồng thời điều trị, hỗ trợ kịp thời các bệnh viện tuyến dưới. Như vừa qua chúng ta biết, với hệ thống khám chữa bệnh từ xa, chúng ta đã phát huy rất nhiều. Từ nãy giờ tôi tham gia Toạ đàm vẫn thăm, khám bệnh cho khoảng hơn chục bệnh nhân.
Hiện nay, chúng tôi đều khám bệnh một cách miễn phí, gần 10.000 ca đang theo dõi trên hệ thống cổng của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đường dây nóng hotline… Hiện chưa có cách nào để chi trả, cũng chưa có hướng dẫn, trách nhiệm không rõ vì chưa có Nghị định.
Thứ ba là phải có chính sách chi trả cho con người, cho nhân viên y tế sau chi lương hợp đồng và phụ cấp để bảo đảm điều trị COVID-19 lâu dài. Bác sĩ phải có thu nhập tăng thêm phần đã được thanh toán. Hiện nay, 1 điều dưỡng viên của chúng tôi tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai tổng thu nhập 1 tháng được 9 triệu. Chúng tôi đã vận dụng mọi cách, mọi nguồn nhưng chỉ chi được đến thế. Có thể phần thu nhập này duy trì được cuộc sống của bản thân bạn ấy nhưng còn gia đình, còn vợ con, còn những cống hiến tiếp theo nữa. Do đó chúng ta cần có chính sách rõ ràng.
Thứ tư là có cơ sở pháp lý để đơn vị tiếp nhận nguồn nhân lực điều trị bệnh nhân COVID-19 như: Tuyển dụng, huy động nguồn nhân lực cơ sở y tế công, y tế tư, tham gia thực hiện tiêm chủng, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Hiện nay chúng tôi không có biên chế mà nhận thêm gần 500 người vào viện chăm sóc bệnh nhân COVID-19 thì làm sao thanh toán, chi trả cho họ được. Phải có hướng dẫn cụ thể về vấn đề con người.
Một vấn đề nữa, Nhà nước cần có chính sách miễn thuế đối với những đơn vị huy động các nguồn lực tiền, tài sản… phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Trước đây, chúng tôi biết những nhà hảo tâm đã cho rất nhiều tiền để giúp chúng ta chống dịch, thậm chí đến hàng trăm tỷ nhưng cuối cùng lại không được miễn thuế, không được giảm trừ, nên nguồn lực bị hạn chế. Rất mong Chính phủ có chính sách rõ ràng để giảm thuế cho những đơn vị có lòng hảo tâm, tham gia đóng góp chống dịch.
Cuối cùng, bằng mọi cách chúng ta phải có lộ trình rõ ràng để biến COVID-19 thành bệnh lý chuyên khoa, khám chữa bệnh thông thường, không còn dịch nữa thì bệnh này sẽ như viêm phổi, suy tim… vào viện khám, chữa bệnh và chi trả theo bảo hiểm y tế. Lúc đó cuộc sống của chúng ta mới trở lại bình thường như cũ được.
10:45 ngày 21/02/2022
Phải đổi mới, cải cách cơ chế tài chính y tế
MC: Để đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng chống dịch, việc tăng phụ cấp, hỗ trợ đối với cán bộ y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo ông, đây đã phải là mấu chốt vấn đề hay chưa? Để công tác phòng chống dịch cũng như năng lực hệ thống chăm sóc sức khoẻ của người dân thực sự bền vững, vấn đề cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế đặt ra hiện nay là gì? Việc sửa đổi bổ sung các luật quy định hiện hành liên quan đến chính sách đãi ngộ, hỗ trợ nhân viên y tế cần được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Sĩ Lợi: Trước mắt chúng ta chưa kịp sửa đổi hệ thống pháp luật, chưa thực hiện được cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương thì việc tăng phụ cấp, hỗ trợ đối với cán bộ y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng và rất cần thiết. Như Thứ trưởng Tuyên nói thì chúng ta phải duy trì cô đỡ thôn bản và nâng phụ cấp cho cô đỡ thôn bản là chính sách rất quan trọng và rất đúng đắn.
Theo Nghị quyết 68 của Quốc hội, theo tôi nên tiếp tục mô hình bác sĩ gia đình. Chống dịch vừa qua chúng ta thấy rõ y tế cơ sở là pháo đài chống dịch, là nền tảng rất quan trọng.
Tuy nhiên, để cho công tác phòng chống dịch cũng như nâng cao hệ thống chăm sóc sức khoẻ của nhân dân bền vững thì phải cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế.
Luật Khám chữa bệnh đã có trong chương trình rồi, Luật BHYT và những luật liên quan đến tiền lương và cải cách tiền lương tiếp tục bổ sung vào hệ thống các phụ cấp đang được dự thảo trong chính sách tiền lương.
Tiền lương phải đúng chính sách và giá trị lao động. Đối với ngành y tế, tiền lương không phải tiền nâng năng suất hiệu quả mà còn là giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân.
Theo tôi, hệ thống của chúng ta trước mắt tập trung xử lý theo đề xuất của Bộ Y tế là sửa Nghị định 56 để nâng và điều chỉnh các khoản phụ cấp.
Nhưng tôi vẫn đề nghị trong các khoản phụ cấp này, chúng ta xác định phụ cấp 100% nhưng không phải lĩnh vực nào cũng 100% mà có những nơi phải là 120%, 150% và có những cái phải thấp hơn.
Điều quan trọng là phải có phụ cấp đặc thù, liên quan đến vấn đề bất trắc trong phòng chống dịch chưa có tiền lệ bao giờ.
10:33 ngày 21/02/2022
Phải điều chỉnh chế độ, phụ cấp để động viên cán bộ y tế
MC: Bộ Y tế đã có những giải pháp gì để khắc phục bất cập trong chế độ đãi ngộ cán bộ y tế tham gia phòng chống dịch, nhất là tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng? Các giải pháp bền vững lâu dài mà Bộ Y tế định hướng trong thời gian tới là như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Thời gian tới, trong công tác phòng chống dịch, chúng ta phải điều chỉnh chế độ, phụ cấp để động viên cán bộ y tế, nhất là nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, mặc dù những hỗ trợ, phụ cấp đó cũng chỉ là một phần để động viên nhân y tế hăng say với công việc hơn, tích cực và có trách nhiệm hơn trong công tác phòng chống dịch.
Còn những giải pháp căn cơ, lâu dài để nâng cao chất lượng, hiệu quả của lực lượng và hệ thống y tế, trong đó có y tế cơ sở và y tế dự phòng, ngoài nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị thì phải nâng cao chất lượng nhân lực y tế. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng, những giải pháp trước mắt và căn cơ lâu dài đều hết sức quan trọng. Các giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo, đó là thời gian tới, chúng ta phải nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua, để kịp thời động viên cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ một loạt văn bản hỗ trợ nhân viên y tế. Bộ cũng đã có tờ trình để có giải pháp đối với chính sách nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thông bản. Vừa rồi, dịch xảy ra, không chỉ nhân viên y tế ở các trạm y tế mà nhân y tế của các thôn, bản, cô đỡ thôn bản cũng cần có chế độ đãi ngộ.
Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ xem xét ban hành một số chế độ, chính sách đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng như ban đầu tôi đã đề cập. Đây cũng là thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đó là phải có chính sách đủ mạnh, khuyến khích trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn và trong lĩnh vực y tế dự phòng.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề, từ 40-70% lên 100%. Nội dung này đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương. Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng khẩn trương và trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định số 56 ngày 4/7/2021 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập. Tôi nghĩ đây là điều mà các cán bộ nhân viên y tế mong muốn đón nhận.
Theo đó nâng phụ cấp lên 100% đối với nhân viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế và thường xuyên làm việc ở y tế dự phòng và các trạm y tế.
Để có giải pháp căn cơ lâu dài đảm bảo nguồn nhân lực, đặc biệt y tế cơ sở và y tế dự phòng, thứ nhất, thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa 12, Bộ Y tế phải chủ động sắp xếp và tối ưu hóa nguồn lực cho công tác phòng chống dịch.
Thứ hai, có chính sách phân bổ nguồn lực hợp lý giữa y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế điều trị để thực hiện trách nhiệm xã hội và chế độ luân phiên thời hạn giữa viên chức ngành y tế công tác ở từng tuyến và từng cơ sở điều trị.
Thứ ba là từng bước bảo đảm nhân lực y tế để thực hiện các hoạt động về phòng chống dịch, cung cấp dịch vụ cho người dân trên địa bàn, đảm bảo đội ngũ nhân lực là bác sĩ và nhân viên y tế có chuyên ngành về hồi sức cấp cứu.
Thứ tư, chúng tôi cũng sẽ chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với chuẩn chung của thế giới; đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, phòng chống dịch của Việt Nam.
Thứ năm, chúng tôi cũng nghiên cứu và đánh giá với dịch SARS trước đây và giờ là COVID-19 thì thấy rằng chúng ta cần phải có định hướng đào tạo phù hợp và sẵn sàng ứng phó với dịch mới nổi, đồng thời phải lồng ghép công tác phòng chống dịch và ứng phó với thảm họa trong chương trình đào tạo. Phải nâng cao năng lực y tế tại địa phương, ưu tiên đào tạo nhân lực cho vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thứ sáu, phải đảm bảo điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe và có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với nhân viên ngành y tế.
Trong thời gian tới, theo tinh thần Nghị quyết 20 cũng như Nghị quyết 27 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách tiền lương, sẽ đảm bảo quyền lợi đối với nhân y tế, người lao động trong ngành y tế phù hợp. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện thể chế về chế độ, chính sách đối với cán bộ ngành y tế, đặc biệt là qua 4 đợt dịch COVID-19 vừa rồi.
Trong nhiệm kỳ này, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đặt nhiệm vụ hàng đầu là hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế đối với chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế. Chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện những dự án để trình Chính phủ sớm ban hành để việc tổ chức thực hiện.
10:31 ngày 21/02/2022
Cán bộ y tế luôn thấu hiểu cho ngành và bệnh viện
MC: Vậy còn những người tham gia trực tiếp chống dịch, điều gì làm Ths.BS Đỗ Doãn Bách lo lắng nhất, đó có phải là khả năng bị lây nhiễm bất cứ lúc nào, áp lực tâm lý, công việc, thu nhập, hỗ trợ phụ cấp, chế độ đãi ngộ…? Bác sĩ có thể chia sẻ thêm những câu chuyện thực tế để lại ấn tượng sâu sắc?
ThS.BS Đỗ Doãn Bách: Như Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên và GS. Nguyễn Lân Hiếu đã trình bày, tôi xin chia sẻ với tư cách là bác sĩ trẻ như sau: Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nguồn thu của bệnh viện sẽ giảm nhiều, nhưng các bác sĩ và nhân viên y tế luôn thấu hiểu cho ngành y tế và cho bệnh viện. Với tình trạng sẽ luôn đối mặt với ca F0 bất kỳ lúc nào, mặc dù bệnh viện phát cho chúng tôi lượng khẩu trang nhất định để bảo hộ nhưng nhân viên y tế cũng phải trang bị thêm đồ bảo hộ, thậm chí là que test COVID. Mặc dù bệnh viện có cấp nhưng chắc chắn là nhiều người muốn nhường cho người khác hoặc số lượng không đủ. Đây cũng là chi phí mà chúng tôi bỏ ra.
Thứ hai là khi chăm sóc cho bệnh nhân, giả sử mình bị F0, mình cũng phải tự chăm sóc cho bản thân và có thêm kinh nghiệm. Nhiều đồng nghiệp của tôi nhiễm bệnh và phải ở nhà điều trị. Tất cả sự chăm sóc sẽ phải hạn chế, không được chăm sóc như người bệnh.
10:20 ngày 21/02/2022
Dần dần biến COVID-19 thành bệnh lý chuyên khoa
MC: Khi ra quyết định điều động nhân viên y tế tham gia chống dịch, những người quản lý bệnh viện đã có những trăn trở và khó khăn như thế nào, nhất là khi phải cân đối, duy trì các hoạt động bình thường khác của bệnh viện, chưa kể thời gian chống dịch không phải ngắn? Điều này có ảnh hưởng gì tới nguồn thu của bệnh viện cũng như thu nhập của các y bác sĩ? Ông có trăn trở, khó khăn gì?
BS. Nguyễn Lân Hiếu: Trước khi có dịch, chúng tôi thực hiện khám chữa bệnh với quy mô cơ sở 1 ở Tôn Thất Tùng là 500 gường bệnh và có cơ sở 2 ở Trương Công Giai. Tổng số nhân viên y tế hơn 1.000 người.
Sau khi đại dịch xảy ra, ngoài việc chi viện các tỉnh, Bộ Y tế giao cho chúng tôi xây dựng bệnh viện điều trị COVID ở Hoàng Mai, có nhiệm vụ rất quan trọng điều trị bệnh nhân nặng nguy kịch với quy mô 500 giường.
Với 500 giường chúng tôi cần khoảng gần 1.000 cán bộ nhân viên nữa. Nếu nhìn như vậy thì chúng ta sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ được. Mặc dù bệnh viện đã được xây dựng thần tốc dưới sự hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế, các nhà hảo tâm, chúng tôi xây dựng trong vòng 1 tháng. Bệnh viện rất hiện đại, hiện nay chúng tôi đang điều trị bệnh nhân rất nặng của Hà Nội. Sáng nay, vẫn còn 200 bệnh nhân, số lượng không tăng lên mà vẫn duy trì. Đó là may mắn.
Tuy nhiên, để điều hành 200 giường hồi sức, ECMO, thở máy… chúng tôi cần nhân lực rất lớn. Chúng tôi đành phải kêu gọi sự chia sẻ của cộng đồng. Chỗ chúng tôi hầu như bao giờ cũng có các tình nguyện viên tham gia. Các bác sĩ, điều dưỡng của chúng tôi luôn chuyển xuống cơ sở Hoàng Mai để điều trị.
Khó khăn nhất là nếu chúng ta vẫn duy trì tình trạng này thì chắc là không thể nào trụ được. Nếu chúng ta cứ coi là đại dịch, thực hiện những quy định như Thứ trưởng Tuyên vừa nói là 21 ngày xong thay vòng thì không thể nào duy trì được lực lượng.
Chúng tôi hiện nay triển khai quy trình xây dựng bệnh viện rất chặt chẽ về kiểm soát nhiễm khuẩn. Các bác sĩ đi làm hằng ngày như bình thường và chúng tôi không mặc đồ bảo hộ quá mức như trước đây nữa vì không còn đủ đâu tiền để mà mua trang thiết bị. Một bộ bảo hộ lên đến 500.000-600.000 đồng. Chúng tôi mặc đồ bảo hộ thông thường và cho anh em giữ, kiểm tra sức khỏe định kỳ để làm sao bảo đảm sự lây nhiễm chéo ít nhất. Đấy là những cách chúng tôi làm để dần dần biến COVID trở thành bệnh lý chuyên khoa.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của chúng tôi là duy trì hoạt động, kinh tế vật tư trang thiết bị. Hiện nay, hầu như tất cả các nguồn lực huy động được chúng tôi đã huy động rồi, không thể xin mãi được tiền tài trợ.
Rất cần chính sách mà sau đây Thứ trưởng Tuyên và anh Bùi Sỹ Lợi sẽ chia sẻ để làm sao chúng tôi có thể duy trì được lâu dài. Cần coi đại dịch nó sẽ dần dần hết đi, bệnh COVID-19 thành bệnh lý chuyên khoa.
Chúng tôi đang cố gắng hết sức để nhân viên y tế hiện nay có thu nhập bằng như trước khi đại dịch. Các bệnh viện khác tôi biết là hầu như bị cắt giảm hết tiền thu nhập tăng thêm, chỉ còn lương cơ bản thôi. Tiền chống dịch thì hiện nay cũng sắp thay đổi nên rất khó khăn.
Do đó chúng ta còn rất nhiều việc cần làm trong thời gian trước mắt để nâng cao được thu nhập, ổn định được đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân viên y tế.
10:11 ngày 21/02/2022
Ba nút thắt lớn cần tập trung tháo gỡ
MC: Ở góc độ xây dựng pháp luật, xin ông phân tích rõ hơn những bất cập về cơ chế trong chính sách đãi ngộ cán bộ y tế tham gia công tác phòng chống dịch COVID19. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, đâu là những nút thắt lớn nhất về thể chế cần tập trung tháo gỡ để đội ngũ cán bộ y tế được hưởng thù lao thoả đáng, yên tâm trong công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khoả của người dân?
Ông Bùi Sĩ Lợi: Theo tôi, hệ thống pháp luật của chúng ta là đầy đủ. Nhưng hệ thống của chúng ta chưa lường hết được chính sách đãi ngộ cho ngành y tế như đại dịch COVID19. Đó là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ. Có những cái chúng ta chưa giải quyết kịp thời về chính sách cho cán bộ y tế nên dẫn đến có nhiều tâm tư. Do đó, việc chúng ta chậm hoặc không tính đến đặc thù tác động trực tiếp đến thu nhập của ngành y tế. Điều đó tác động đến vật chất, tinh thần các lực lượng cùng tham gia công tác phòng chống COVID. Đây là điểm lớn nhất.
Tuy nhiên, chúng ta tự hào là họ vẫn kiên định vượt qua thách thức, vượt qua cuộc chiến chống dịch như chống giặc. Đây là điều rất quan trọng chúng ta trân trọng, đánh giá cao.
Theo tôi, cơ chế chính sách của ngành y tế có 3 nút thắt lớn về thể chế mà chúng ta cần phải tập trung tháp gỡ để cán bộ ngành y tế được hưởng thù lao thoả đáng. Và chúng ta phải điều chỉnh bảng lương.
Vấn đề thứ nhất là ngành y được đào tạo dài hơn các ngành khác nên cần thiết phải thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo. Đào tạo càng dài thì bảng lương, hệ số lương phải khác với ngành nghề đào tạo ngắn hơn.
Thứ hai, ngành y tế là ngành chăm lo cho sức khoẻ của người dân, bảo vệ tính mạng con người như lực lượng vũ trang bảo vệ nhân dân. Điều này tôi đã kiến nghị từ lâu. Tại sao ngành y tế không cho áp dụng phụ cấp 1,8 như lực lượng vũ trang? Nhiều lần tôi nói rằng, đối với ngành y tế thì chú ý về vấn đề tự chủ và tự chịu trách nhiệm ở những bệnh viện lớn được chuyển giao công nghệ thì được. Nhưng huyện, xã không có điều kiện thì chúng ta làm sao tự chủ được, kể cả không có bệnh nhân.
Thứ ba, do đặc thù đặc biệt, khi dịch bệnh phải đương đầu chống dịch nên chúng ta cần có phụ cấp đặc biệt để khi biến cố xảy ra, chúng ta áp dụng ngay chứ không phải ra nghị quyết rồi xin ý kiến. Nếu chúng ta giải quyết được những nút thắt này thì họ sẽ toàn tâm toàn ý trong công tác chống dịch, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Dù chúng ta có nói tinh thần trách nhiệm, ý thức cách mạng như thế nào thì cuộc sống, đời sống của gia đình và chính bản thân bác sĩ phải được đảm bảo thì mới làm tốt và hiệu quả được.
10:00 ngày 21/02/2022
Ở đâu bệnh nhân cần thì cán bộ y tế có mặt ở đó
MC: Thưa Thứ trưởng, số liệu nghiên cứu "tác động của đại dịch COVID-19 với sức khỏe và điều kiện kinh tế, xã hội, việc làm của cán bộ y tế" do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì khảo sát trên 2.700 nhân viên y tế cả nước tính tới hết tháng 12/2021 cho thấy, hơn 62% cán bộ y tế chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào. Hơn 80% không thể chi trả hoặc chỉ có thể chi trả một phần chi phí sinh hoạt của bản thân và gia đình. Xin ông cho biết, số liệu này cần được hiểu như thế nào cho đúng và nguyên nhân của thực trạng này là gì?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Đây là kết quả nghiên cứu về những tác động của đại dịch COVID-19 đối với sức khỏe, điều kiện kinh tế xã hội và việc làm của cán bộ y tế do Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì khảo sát từ tháng 9-11/2021 và được công bố tại Hà Nội ngày 8/12/2021.
Thời điểm đó đang là giai đoạn dịch diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị tập trung cho công tác phòng chống dịch nên việc chi trả còn chưa kịp thời, vì chúng ta đang tập trung mục tiêu trước hết là "chống dịch như chống giặc". Khi đó, tất cả nhân viên y tế lên đường không đòi hỏi gì về chế độ, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Ở đâu bệnh nhân cần thì nhân viên y tế có mặt ở đó.
Chính vì thế, theo thông tin báo cáo, đến nay, sau khi dịch cơ bản được kiểm soát, hầu như các đơn vị, địa phương đã chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế. Bộ Y tế đã có Công văn 6401 ngày 7/8/2021 gửi các địa phương hướng dẫn về chi trả chế độ cho nhân viên y tế của địa phương. Trong công văn, Bộ quy định rõ đối tượng được hưởng, thời gian, kinh phí chi trả, đơn vị chi trả…
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi có nhận được thông tin từ một số địa phương, sau khi dịch đã ổn định nhưng chưa chi trả hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Bộ Y tế tiếp tục có công văn gửi y tế các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố khẩn trương chi trả phụ cấp ngành cho nhân viên y tế.
Trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế đã hết sức quan tâm đến chính sách của nhân viên y tế. Cụ thể, ngay từ khi có đại dịch, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 37 ngày 29/3/2020, Nghị quyết 16 ngày 8/2/2021 về một số chế độ đặc thù phòng chống dịch COVID-19. Trong đó có nâng phụ cấp lên 2 lần so với quy định cũ. Chế độ phụ chống dịch thời gian qua đã phần nào bù đắp đối với lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng chống dịch.
Bộ Y tế vẫn tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 58 ngày 8/6/2021, trong đó quy định chế độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là 7.500 đồng/mũi/kíp tiêm; chế độ đối với người tình nguyện như học sinh, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng; người có chuyên môn không hưởng lương từ ngân sách nhà nước… để hưởng phụ cấp chống dịch. Cán bộ y tế tham gia chống dịch được hỗ trợ theo 3 mức 300.000 đồng/người/ngày, 200.000 đồng/người/ngày, 150.000 đồng/người/ngày, tương ứng với từng công việc, và hỗ trợ tiền ăn, chi phí phục vụ sinh hoạt trong thời gian phải ở lại chống dịch.
Để đẩy mạnh hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành và báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 145 ngày 19/11/2021 về điều chỉnh, sửa đổi một số chính sách phòng chống dịch, trong đó nâng phụ cấp phòng chống dịch lên 1,5 lần đối với người lao động, bao gồm cả người tình nguyện, sinh viên, học sinh và người có chuyên môn không hưởng lương ngân sách nhà nước làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị tại TPHCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương và BV Bệnh nhiệt đới Trung ương trong thời gian từ 1/8-31/10/2021.
Như vậy, về cơ bản, các chế độ chính sách đối với nhân viên y tế, đặc biệt là cán bộ y tế trực tiếp tham gia chống dịch, đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.
Tôi cho rằng, nhiều nghị quyết của Quốc hội, nhiều chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành nhằm bảo đảm chế độ cho nhân viên y tế, nhưng vẫn chưa đủ. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các chế độ, chính sách để tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những chính sách kịp thời tới những người tham gia phòng chống dịch, điều chỉnh bổ sung mức phụ cấp để bù đắp phần nào sự hy sinh, những tổn thất đối với nhân viên y tế - lực lượng tuyến đầu chống dịch.
09:43 ngày 21/02/2022
Phải linh hoạt ứng phó với dịch bệnh
MC: Những đòi hỏi kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra sự thay đổi rất lớn trong đặc điểm công việc của ngành y tế ở tất cả các tuyến. Xin Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ thêm về những thay đổi lớn này trong hơn 2 năm chống dịch vừa qua đối với các y bác sĩ (bao gồm khối lượng công việc, mức độ căng thẳng, rủi ro sức khỏe, áp lực…)?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Như các bạn đã biết, trong cộng đồng và trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đòi hỏi phải chủ động và có kế hoạch, nhưng kế hoạch phải linh hoạt, ứng phó với diễn biến dịch bệnh, thậm chí là diễn biến từng ngày và từng giai đoạn. Đến nay, đất nước chúng ta đã trải qua 4 giai đoạn, giai đoạn 1 diễn biến dịch bệnh khác, giai đoạn 2, 3, 4 khác. Vì vậy đã tạo ra những thay đổi lớn trong công tác phòng, chống dịch ở tất cả cơ sở y tế, tất cả các tuyến, thậm chí ở chính mỗi người dân và cán bộ, nhân viên y tế.
Thứ nhất là nhân viên y tế phải chăm sóc toàn diện, tối đa cho bệnh nhân vì ngoài thực hiện điều trị người bệnh còn thay người thân chăm sóc người bệnh như là động viện tinh thần, hỗ trợ trong sinh hoạt, ăn uống. Chăm sóc toàn diện cho người bệnh được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh dịch, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác điều trị.
Thứ hai là có sự thay đổi, thích ứng linh hoạt của nhân viên y tế trong công tác phòng dịch, như nhân viên y tế thường ngày có thể tham gia công tác phòng dịch nhưng khi huy động, điều động, đào tạo đã nhanh chóng hoà nhập, tham gia làm việc tích cực ở cơ sở mới, địa phương mới, thậm chí ở một cộng đồng mới. Tại cộng đồng thì nhân viên y tế ngoài làm nhiệm vụ hướng dẫn về công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch, ví dụ như khuyến cáo thực hiện 5K. Đặc biệt tại những cơ sở khám chữa bệnh, nhân viên y tế thực hiện kiểm soát, khoanh vùng nhiễm khuẩn để chăm sóc người bệnh cách ly, chăm sóc người bệnh tại bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức tích cực. Ở các bệnh viện dã chiến, điều kiện cơ sở vật chất và điều kiện sinh hoạt rất khó khăn.
Thứ ba là tinh thần sẵn sàng làm việc ở môi trường nguy cơ, công việc có nhiều áp lực. Sự hi sinh quên mình của các cán bộ y tế đến làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao do thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh, đồng thời vẫn sẵn sàng làm việc tập trung từ 10 đến 12 tiếng hằng ngày và thậm chí còn dài hơn. Khi dịch bệnh xảy ra, bệnh nhân tăng đã gây quá tải cho hệ thống y tế. Đặc biệt tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 thì một nhân viên y tế phải theo dõi, chăm sóc hàng chục đến hàng trăm bệnh nhân. Ngoài chăm sóc họ còn mang trên mình những bộ đồ bảo hộ nóng và bí. Việc thiếu nhân lực và hạn chế tiếp xúc với người bệnh, tiết kiệm trong việc sử dụng các bộ đồ bảo hộ, trang thiết bị y tế làm gia tăng áp lực tinh thần và thể chất của nhân viên y tế như GS. Nguyễn Lân Hiếu vừa nói. Đặc biệt, việc thiếu hụt nhân lực và nhân viên phải làm việc với thời gian rất dài từ 15 ngày sau đó thay ca, trước khi về với gia đình họ còn phải cách ly 7 ngày. Như vậy 1 nhân viên y tế sau mỗi đợt làm việc phải xa gia đình ít nhất 21 ngày. Nhưng rồi do người bệnh đông nên họ phải nhanh chóng quay trở lại làm việc. Có những nhân viên vài ba tháng không được về thăm gia đình.
Thứ tư là trong bối cảnh thiếu nhân lực, chúng tôi đã kịp thời huy động và đào tạo rất nhanh các nhân viên y tế tham gia. Chiến lược phổ cập kiến thức, kỹ năng tuyên truyền lấy mẫu xét nghiệm, khám chữa bệnh đã góp phần thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua, đồng thời đã nâng cao được chất lượng công tác khám, chữa bệnh. Trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã triển khai hàng chục bệnh viện dã chiến, hàng nghìn trạm y tế lưu động để điều trị, không chỉ cho bệnh nhân COVID mà làm sao để người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế khác ngay tại cơ sở nhằm giảm gánh nặng, giảm tử vong trong điều kiện bình thường.
Thứ năm, chúng tôi đã tăng cường vai trò của y tế cơ sở trong phòng, chống dịch COVID-19. Khi dịch bệnh xảy ra rải rác, số ca bệnh hạn chế, việc thu dung, điều trị được triển khai ở tất cả các tuyến điều trị, kể cả ở các bệnh viện dã chiến. Nhưng khi số lượng gia tăng lớn, việc quản lý điều trị ở nhà là tất yếu. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn hết sức cụ thể về công tác này. Từ đó, y tế cơ sở đã đóng vai trò quan trọng trong công tác phát hiện, phân loại, quản lý hỗ trợ cho người bệnh điều trị tại nhà, sẵn sàng phát hiện và chuyển bệnh nhân khi trở nặng đến các cơ sở y tế.
Thứ sáu là với tinh thần "chống dịch như chống giặc", ngành y tế đã huy động tất cả cán bộ ở mọi miền Tổ quốc tham gia chống dịch, hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trọng điểm với mục tiêu khống chế và dập dịch được nhanh, giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh. Tuy nhiên, theo báo cáo của 41 Sở Y tế các tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đến nay đã huy động trên 7.200 nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch. Đã có 2 điều dưỡng và 1 bác sĩ nhiễm COVID-19 và không qua khỏi.
Thứ bảy, chúng tôi đã triển khai khám, chữa bệnh từ xa, không chỉ điều trị về COVID-19 mà cả các bệnh nhân khác trong điều kiện vừa cách ly, vừa giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch khác. Công tác này đã giúp giảm quá tải cho các cơ sở y tế, giúp người bệnh tiếp cận nhanh với các dịch vụ y tế. Và đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi đã thành lập trung tâm hội chẩn từ xa đặt tại Bộ Y tế do có giáo sư đầu ngành tham gia. Khi xuất hiện các bệnh nhân nặng, bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng thì chúng tôi đều kết nối hội chẩn và đưa ra các biện pháp, phác đồ điều trị phù hợp nhất để giúp bệnh nhân qua khỏi.
Thứ tám, đối với việc phòng, chống đại dịch, ngoài nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc, nhân viên y tế không chỉ gặp rủi ro do tiếp cận với người bệnh mà còn cả rủi ro nghề nghiệp khác khiến họ có nguy cơ lây nhiễm bệnh, bị chấn thương, thậm chí là tử vong. Với những rủi ro đó, một là có nguy cơ rất cao lây nhiễm COVID-19 khi làm việc. Thứ hai là căng thẳng khi phải mặc các bộ đồ bảo hộ cá nhân trong thời gian dài, đặc biệt là trong các tỉnh miền Nam, thời tiết rất nóng bức. Thứ ba là tiếp xúc với hoá chất khử khuẩn với tần suất cao. Thứ tư là mệt mỏi kéo dài. Thứ năm là căng thẳng về tâm lý, điều kiện vệ sinh, phúc lợi không đầy đủ và chưa đảm bảo an toàn. Với những yêu cầu trong kiểm soát dịch bệnh đòi hỏi sự thay đổi rất lớn, chính vì thế nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, chúng ta phải thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả, phải đưa ra những giải pháp phù hợp phòng, chống dịch tốt nhất.
09:39 ngày 21/02/2022
Cố gắng giải tỏa tâm lý cho người bệnh
MC: Có lẽ đây là lần đầu tiên một bác sĩ trẻ như ThS. Đỗ Doãn Bách tại cuộc toạ đàm hôm nay tham gia phòng chống một đại dịch toàn cầu. Theo bạn những áp lực và vẫn đề của các y, bác sĩ thường gặp phải là gì?
ThS.BS. Đỗ Doãn Bách: Tôi may mắn được tham gia vào Bệnh viện dã chiến số 16 TPHCM do Bệnh viện Bạch Mai đảm trách.
Tôi đều cố gắng giải toả cho bác sĩ, bệnh nhân về mặt tâm lý. Do số lượng bác sĩ không nhiều nên không thể yêu cầu đầy đủ mọi thứ, nhưng chúng tôi luôn cố gắng chữa trị, mong bệnh nhân, người bệnh sớm qua khỏi.
Về vấn đề giao tiếp giữa người nhà và bệnh nhân, khi bệnh nhân trở nặng, kết nối giữa bệnh nhân và người nhà gặp khó khăn nên bác sĩ là người đóng vai trò quan trọng giúp người dân tin tưởng vào hệ thống y tế.
09:34 ngày 21/02/2022
Ý thức người dân là hết sức quan trọng
MC: Thưa Thứ trưởng Tuyên, khi nghe những tâm tư về khó khăn như vậy, ông có muốn nói điều gì không?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Phải nói rằng chúng tôi thấu hiểu những tâm tư của đội ngũ nhân viên thầy thuốc. Chúng tôi đặt mục tiêu cuối cùng là làm sao làm tốt công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là làm tốt công tác phát hiện, hướng dẫn phòng dịch, điều trị để làm sao tỉ lệ bệnh nhân khỏi bệnh cao nhất, và tỉ lệ bệnh nhân tử vong thấp nhất.
Đồng thời chúng tôi thấy rằng ngoài việc cố gắng nỗ lực của nhân viên y tế, thì cũng có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan đơn vị, chính quyền cơ sở… làm sao tuyên truyền vận động để người dân nâng cao ý thức hơn nữa.
Khi chúng ta tiến hành bao phủ vaccine, cơ bản đã tiêm xong mũi 1, mũi 2 thì sẽ xuất hiện tâm lý chủ quan của người dân. Rồi việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khác mà theo Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu là 5K+vaccine+thuốc+công nghệ thông tin+ý thức của người dân.
Như vậy ý thức của người dân tham gia công tác phòng chống dịch hết sức quan trọng trong điều kiện tình hình mới hiện nay, để làm sao chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội, đồng thời hạn chế số bệnh nhân từ nhẹ chuyển sang nặng, hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong, để thực hiện được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả.
09:24 ngày 21/02/2022
Khó khăn nhất đối với người bác sĩ chữa bệnh là không giữ lại được tính mạng người bệnh trên tay mình!
MC: Với tư cách là Giám đốc một bệnh viện lớn chi viện cho công tác chống dịch tại tỉnh Bình Dương, ông muốn nói điều gì tới những cán bộ, nhân viên y tế của mình trong những ngày tháng gian khổ, khó khăn nhưng vô cùng đáng nhớ đó? Ông có cảm nhận như thế nào về sự hi sinh của những "chiến binh áo trắng" trên mặt trận chống đại dịch thời gian vừa rồi, khi họ đã gác lại phía sau tất cả: từ con cái, gia đình, hạnh phúc… để tập trung công tác chống dịch trên cả nước?
PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu: Khó khăn lớn nhất của chúng tôi không phải là mệt, chịu nóng lực, vất vả do công việc, mà khó khăn nhất đối với chúng tôi là khi người bác sĩ chữa bệnh không giữ lại được tính mạng người bệnh trên tay mình. Đó là khó khăn lớn nhất.
Có những học trò của chúng tôi không ăn cơm được, bị stress, xin nghỉ phép đóng cửa ở trong phòng 2-3 ngày chỉ vì không thể quên được những ca bệnh mà mình không bảo vệ được. Đó là giờ phút không thể nào quên được. Tôi rất tự hào về các em!
Có những em bị mắc COVID-19 nhưng không nghỉ mà xin vào phòng bệnh ở cùng luôn với bệnh nhân để chăm sóc bệnh nhân 24/24. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn của ngành y.
Còn hiện nay khi dịch đã chuyển sang giai đoạn mới thì chúng ta không thể Zezo COVID-19 mà phải sống chung với dịch bệnh. Giai đoạn này thì sự hy sinh lại khác. Giai đoạn này, khó khăn nhất đối với chúng tôi là không phải không biết cách chữa, hoảng sợ vì số lượng COVID-19 diễn biến phức tạp bởi chúng ta đã hiểu rất rõ về COVID-19.
Khó khăn lớn nhất là chúng ta phải chống dịch lâu dài, các y bác sĩ nhân viên y tế không biết lúc nào sẽ dừng lại việc điều trị COVID-19, việc điều trị vẫn liên tục.
Tuy nhiên, thực sự tinh thần của các cán bộ, nhân viên y tế dã được đào tạo, rèn luyện nhiều năm nên không ai bỏ cuộc.
Ngay đầu năm vừa rồi, chúng tôi đã phát động phong trào "Trái tim hồng", nhiều y bác sĩ vẫn đang điều trị bệnh nhân COVID-19, thậm chí bệnh nhân nặng, nhưng vẫn sẵn sàng "xắn tay áo" hiến máu cứu những bệnh nhân đang rất cần máu để duy trì sự sống.
Rất nhiều y bác sĩ khác của chúng tôi ở bệnh viện bị nhiễm COVID-19, có đến hơn 200 bác sĩ nhiễm bệnh. Nhưng anh chị em không nghỉ ngơi mà xin xuống Bệnh viện điều trị COVID-19 (Hà Nội). Những người không nhiễm bệnh thì lên cơ sở 1 tại Đại học Y Hà Nội làm việc. Tôi rất cảm động!
Chúng tôi không sợ COVID-19. Chúng tôi chỉ sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin. Sức ép của chúng ta hiện nay là làm sao truyền thông để người dân tin tưởng thực hiện các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế. Chúng ta đã có hướng dẫn rất rõ ràng về điều trị COVID-19 tại nhà đối với người lớn như thế nào, đối với trẻ em như thế nào.
Rất mong người dân bình tĩnh, giảm sức ép đối với các nhân viên y tế để các bác sĩ tập trung cứu bệnh nhân nặng!
09:18 ngày 21/02/2022
Đã có rất nhiều hi sinh được đánh đổi để người dân có cuộc sống an lành!
MC: Ông có cảm nhận như thế nào về sự hi sinh của những chiến binh áo trắng trên mặt trận chống đại dịch thời gian vừa rồi, khi họ đã gác lại phía sau tất cả: từ con cái, gia đình, hạnh phúc…để tập trung công tác chống dịch trên cả nước?
Ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Thưa quý vị và các bạn, sự hi sinh, đóng góp của các chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chống dịch vừa qua mà Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã trình bày khá đầy đủ, xúc động và xúc tích.
Tuy nhiên, với cá nhân tôi, đứng ngoài cuộc nhìn vào và theo dõi ngành y tế rất lâu, tôi phải nói rằng chúng ta bước qua năm thứ 3 trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 không thể đong đếm hết những khó khăn, những hi sinh vất vả của đội ngũ y tế phải gồng mình vượt qua trong thời gian vừa qua.
Chúng ta biết rằng ở bất kỳ thời kỳ nào, nghề y luôn là nghề cao quý, được xã hội tôn trọng và tôn vinh. Nhiều y, bác sĩ, những chiến binh áo trắng đã can trường, chinh chiến khắp mặt trận dã chiến cùng với các đơn vị thiện nguyện, quên mình hỗ trợ cộng đồng trong những lúc gian nan, khó khăn nhất do đại dịch gây ra. Đã có rất nhiều hi sinh được đánh đổi để người dân có cuộc sống an lành.
Trong bối cảnh đó, có một cuộc đua vô cùng lớn lao là cuộc đua giành lấy sự sống cho người dân, điều này chúng ta thấy rất rõ và cảm động. Họ đã tích cực, kiên quyết và trong tâm thế không để ai bị bỏ lại phía sau.
Những con người đó đã gác lại cuộc sống riêng tư, hạnh phúc gia đình, vì sức khoẻ và hạnh phúc của nhân dân với nhiều hình ảnh như Thứ trưởng Tuyên đã nêu, rất cảm động, khó có từ ngữ nào diễn tả hết.
Bản thân tôi cũng luôn suy nghĩ và dành cho đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch một tình cảm rất đặc biệt và sâu sắc. Đối với họ, tinh thần trách nhiệm là trên hết, việc chăm sóc, phục vụ, chữa trị và cứu người đặt lên hàng đầu. Vì cuộc chiến với đại dịch, vì sự an toàn, tính mạng cho 90 triệu dân Việt Nam chúng ta.
Rất nhiều bài thơ, ca khúc, bức thư đã viết lên những cảm xúc yêu thương khiến cho chúng ta cũng rơi lệ. Nhân dân và dân tộc Việt Nam luôn ghi nhận sự hi sinh cao cả của dội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 vô hình này này.
Tôi cảm ơn và tự hào với đội ngũ y, bác sĩ, những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch và mong rằng, Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn tôn vinh, coi trọng và tạo điều kiện tốt nhất để cho các bác sĩ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Đó là mong muốn của tôi suốt cả 4 nhiệm kỳ tham gia làm đại biểu Quốc hội.
09:04 ngày 21/02/2022
Sự hy sinh của các "Chiến sĩ áo trắng" trên tuyến đầu chống dịch - nói bao nhiêu cũng không đủ!
MC: Thưa Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hơn 2 năm qua, chúng ta đã nói đến nhiều về sự hy sinh, tận tuỵ của các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch, thậm chí nói bao nhiêu cũng không đủ. Xin ông chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở, thậm chí là những ấn tượng mà ông cho rằng sâu sắc nhất?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Đại dịch COVID-19 là một trong những thách thức rất lớn đối với sức khỏe của cộng đồng, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Đến nay tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt quá con số 420 triệu ca, trong đó trên 5,8 triệu ca đã tử vong với nhiều chủng của virus SARS-CoV-2 như biến thể Delta, biến thể Omicron. Tại Việt Nam, cả nước ghi nhận trên 2 triệu ca mắc, trên 39.000 trường hợp tử vong.
Đại dịch COVID-19 đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống y tế, trong đó đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế luôn là tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Với những căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực nhưng những "chiến sĩ áo trắng" vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả là chữa bệnh cứu người của người thầy thuốc.
Họ không chút e dè, không quản ngại, không chùn bước và đã gắn bó với những vất vả thường nhật khi tham gia tông tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng tâm dịch trong hai năm vừa qua.
Họ luôn để lại hình ảnh gắn bó thân thương đáng nhớ với với người dân, cộng đồng, bằng tinh thần sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tính mạng, sức khỏe của người dân bị dịch bệnh đe dọa.
Chỉ riêng đợt thứ 4, đã có hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, kể cả sinh viên ngành y, ở nhiều địa phương trên cả nước hăng hái trực tiếp tham gia nhiệm vụ bảo vệ và điều trị cho người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm ở những địa bàn nóng nhất, nguy nhiểm nhất.
Nhân viên y tế luôn nhận thức được nhiệm vụ của người thầy thuốc với người bệnh, với nghề nghiệp trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, với trách nhiệm tự hào đóng góp chuyên môn cho cuộc chiến chống đại dịch COVID. Và chúng ta nhận thấy rõ tinh thần chủ động tích cực, sẵn sàng, đoàn kết trong công tác chống dịch tại cơ sở địa phương, thậm chí ngay cả khi chưa có sự điều động của Bộ Y tế.
Phải nói rằng, hành động và sự hy sinh của nhân viên y tế được thể hiện qua nhiều góc độ. Chúng tôi đã chứng kiến khi trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch ở các địa phương. Chúng ta có thể kể ra một vài nội dung.
Thứ nhất, cuộc sống cá nhân của nhân viên y tế hoàn toàn bị ảnh hưởng, họ rời xa gia đình lên đường phòng, chống dịch, luôn phiên 1 tháng, 2 tháng, thậm chí còn lâu hơn nữa. Có những nhân viên y tế đã chuyển ra khỏi nhà do lo ngại sẽ mang virus về nhà lây nhiễm cho con nhỏ, cho cha mẹ già, cho người thân trong gia đình.
Tôi lấy ví dụ câu chuyện lùi thời gian kết hôn của một nữ điều dưỡng hay của bác sĩ Minh Hoàng ở Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ. Hay câu chuyện vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang, Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng, đã gửi lại con thơ để xung phong lên đường phòng, chống dịch. Hay những ban thờ vái vọng người thân khi qua đời mà những nhân viên y tế của chúng tôi không về được…
Thứ hai, họ trải qua cuộc sống cô lập, mất đi sự tiếp xúc của con người, hạn chế tiếp xúc với xung quanh do sợ lây nhiễm. Cuối cùng. họ cũng an toàn trở về nhưng đó thực sự là thời gian khủng khiếp đối với họ.
Thứ ba, họ đã trải qua nỗi lo lắng về lây nhiễm dịch bệnh do tiếp xúc với nguồn lây. Họ lo lắng về phương tiện bảo hộ, nếu phương tiện bảo hộ không đảm bảo thì tăng nguy cơ lây nhiễm với nhân viên y tế.
Thứ tư là sự ấm áp và lòng trắc ẩn của nhân viên y tế khi chăm sóc điều trị người bệnh. Họ là người duy nhất tiếp xúc, tương tác với người bệnh. Họ vui khi người bệnh khỏi bệnh, nhưng cũng đau buồn bất lực khi chứng kiến cảnh người bệnh không qua khỏi.
Thứ năm, họ không thoát hỏi COVID. Nhân viên y tế hằng ngày hằng giờ làm việc liên quan mật thiết với người bệnh nhưng khi rời khỏi công việc, họ cũng vẫn tiếp tục đối diện với những trăn trở, đau buồn do COVID-19, nhất là khi mạng xã hội tràn ngập thông tin COVID-19. Hàng nghìn cuộc gọi tới họ trao đổi về COVID.
Thứ sáu, họ làm việc quên thời gian, không có hồi kết. Nhân viên y tế được yêu cầu ở lại tập trung một thời gian ngắn trong bệnh viện hoặc đi hỗ trợ các tuyến, họ đã luôn trong tình trạng liên tục làm thêm giờ, họ chăm sóc không kể ngày đêm cho bệnh nhân COVID-19. Và có nhiều bác sĩ tình nguyện viên gần như không nghỉ. Như bác sĩ Trần Công Minh của Bệnh viện Chợ Rẫy, khi vừa kết thúc hỗ trợ phòng chống dịch ở Bắc Giang lại bắt tay ngay vào công tác khám chưa bệnh tại bệnh viện hồi sức cấp cứu ở TPHCM.
Có thể nói, hơn tất cả những hy sinh tận tình của nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, họ luôn tự hào khi được cống hiến hết sức mình, bằng trái tim, tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ chống dịch, chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch, đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường, ổn định.
07:19 ngày 21/02/2022
Khẩn trương hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu
Trước đó, chiều ngày 18/10/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng nêu rõ: Đảng, Nhà nước, Nhân dân thấu hiểu những gì các đồng chí đã làm trong suốt 2 năm qua, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4 diễn ra hết sức khốc liệt với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, lực lượng y tế đã đóng góp hết sức quan trọng, là lực lượng tuyến đầu chống dịch, cùng quân đội, công an và các lực lượng khác.
Thủ tướng đề nghị và mong muốn lực lượng y tế tuyến đầu tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả tích cực, những kinh nghiệm quý thời gian qua, tiếp tục cống hiến, tích cực cho công tác phòng, chống dịch cũng như công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã rất biết ơn và quan tâm đến đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế, dù chưa được trọn vẹn, mong các đồng chí chia sẻ, cảm thông.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao và động viên tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đội ngũ nhân viên y tế. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu, nhất là lực lượng y tế, bảo đảm công bằng, bình đẳng.
Các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện, bảo đảm các điều kiện thuận lợi kể cả về vật chất và tinh thần để các lực lượng tuyến đầu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ cao cả của mình; động viên, khen thưởng, tôn vinh kịp thời các tấm gương tiêu biểu, phổ biến nhân rộng các cách làm hay, mô hình tốt trong phòng chống dịch.
Thủ tướng đề nghị đội ngũ y bác sĩ qua thực tiễn công tác, kinh nghiệm của mình tham mưu các cấp, các địa phương thực hiện nghiêm túc và kiến nghị xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ngày càng hoàn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội./.
Nguồn: Chinhphu.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT