Bộ y tế
TP.HCM: Nhiều điểm mới tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
25/05/2023 - 211
Ngày 25/5/2023 tại TP.HCM, Bộ Y tế tổ chức hội nghị phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15. Hội nghị được kết nối với hơn 1200 điểm cầu tại các Sở Y tế, bệnh viện công lập và tư nhân khu vực phía Nam.
Hội nghị phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức tại Bệnh viện Gia An 115, TP.HCM. GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch phụ trách, điều hành Hội đồng Y khoa Quốc gia chủ trì hội nghị.
GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch phụ trách, điều hành Hội đồng Y khoa Quốc gia chủ trì Hội nghị phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15. Ảnh: Kim Vân
Tham dự hội nghị có PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh; đại diện các vụ, cục, đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân tại TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam.
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS.Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 09/01/2023 thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2024 với nhiều điểm mới thể hiện sự tiến bộ trong việc tiếp cận, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này đã tháo gỡ một số vướng mắc, giải quyết những bất cập, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với bối cảnh thực tế, thể hiện rõ chính sách ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó các tổ chức xã hội nghề nghiệp có trách nhiệm tham gia vào quy trình xây dựng pháp luật trong khám bệnh, chữa bệnh, phổ biến, giáo dục, đào tạo kiến thức chuyên môn pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho hội viên tham gia phản biện xã hội về khám bệnh, chữa bệnh và triển khai quy tắc đạo đức nghề nghiệp, huy động nguồn lực xã hội.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, một trong những điểm mới quan trọng về quản lý người hành nghề đó là Luật đã quy định việc tổ chức thi đánh giá năng lực người hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện. Đây là một nội dung quan trọng, thể chế hóa Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và là bước đột phá trong hội nhập quốc tế, là hoạt động thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo của các trường thuộc khối ngành sức khỏe và nâng cao chất lượng người hành nghề, đáp ứng mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm mặc dù quy định này sẽ tạo thêm áp lực cho người mới ra trường phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực.
Các đại biểu tham dự Hội nghị phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15. Ảnh: Kim Vân
"Luật bổ sung một số đối tượng bao gồm cấp cứu viên ngoại viện, dinh dưỡng lâm sàng, tâm lý lâm sàng vào đối tượng phải cấp giấy phép hành nghề. Luật cũng quy định thời hạn giấy phép hành nghề là 5 năm, sau đó phải tiếp tục gia hạn giấy phép sau khi đã có đủ điều kiện về cập nhật kiến thức y khoa liên tục", Thứ trưởng Thuấn cho hay.
Về quản lý cơ sở khám bệnh chữa bệnh, Luật bổ sung thêm loại hình "Cơ sở cấp cứu ngoại viện". Bên cạnh đó, Luật đã quy định phân cấp quản lý, cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh chữa bệnh, trong đó Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc, bao gồm cả bệnh viện tư nhân trên địa bàn quản lý bắt đầu từ năm 2027.
Một số nội dung liên quan đến xây dựng tiêu chuẩn và đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng được điều chỉnh, đánh giá theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản mang tính bắt buộc và khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nâng cao trong nước hoặc nước ngoài được Bộ Y tế thừa nhận. Đánh giá chất lượng đối với từng chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật .
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, các quy định về chuyên môn kỹ thuật cũng có nhiều điểm mới như:
Một là: Luật đã bổ sung quy định về hoạt động cấp cứu ngoại viện, các nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hệ thống cấp cứu ngoại viện, trong đó ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho đầu tư thiết lập hệ thống cơ sở cấp cứu ngoại viện của nhà nước, hệ thống tiếp nhận thông tin và điều phối cấp cứu ban đầu; chi phí vận chuyển cấp cứu trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chi phí quản lý, vận hành cơ sở cấp cứu ngoại viện của nhà nước.
Hai là: Một số nội dung điều chỉnh giao nhiệm vụ cho UBND cấp xã và cơ sở trợ giúp xã hội đối với tiếp nhận và xử lý đối với người bệnh này.
Ba là: Luật đã bổ sung quy định liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lưu động (bao gồm khám bệnh, chữa bệnh tại nhà), khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa; khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình. Chính sách ưu đãi đối với khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận.
Bốn là: Bổ sung quy định liên quan đến thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh. Điều chỉnh một số nội dung liên quan đến sai sót chuyên môn và thành lập hội đồng chuyên môn giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh.
Về các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh, Luật đã:
Thứ nhất: Điều chỉnh phân cấp chuyên môn kỹ thuật từ 4 cấp hành chính (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) thành 3 cấp chuyên môn: ban đầu, cơ bản và chuyên sâu.
Thứ hai: Quy định việc hỗ trợ cho đào tạo các chuyên ngành cần thu hút gồm tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu.
Thứ ba: Điều chỉnh chính sách ngân sách nhà nước chi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh, trong đó, chi hỗ trợ các khoản chi chưa được tính trong giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước.
Thứ tư: Luật quy định một số nội dung về cơ chế tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, quy định cụ thể về giá khám bệnh, chữa bệnh, trong đó cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết thêm, Luật cũng đã cụ thể hóa một số nội dung về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh; Quy định cụ thể trách nhiệm thiết lập và vận hành hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Bổ sung một số nội dung về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề…
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đang xây dựng các văn bản và các đề án để hướng dẫn chi tiết một số nội dung thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó Bộ Y tế chịu trách nhiệm đầu mối chính xây dựng Nghị định, Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Bộ Quốc phòng cũng đã được giao xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật.
Để Luật Khám bệnh, chữa bệnh được thực thi theo đúng lộ trình, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các vụ, cục thuộc Bộ Y tế khẩn trương xây dựng nội dung Nghị định, Thông tư, quyết định, các đề án đã được phân công bảo đảm đúng tiến độ để có thể thực thi Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngay khi Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức, các đơn vị, địa phương có liên quan tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình soạn thảo các văn bản hướng dẫn và các đề án có liên quan, bảo đảm các quy định hướng dẫn chi tiết có tính khả thi, phù hợp, có chất lượng và đúng các quy định của Luật.
Các Sở Y tế tỉnh, thành phố, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân xây dựng kế hoạch và tiếp tục phổ biến các nội dung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm người hành nghề, các tổ chức, cá nhân tham gia hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hiểu đúng, làm đúng theo các quy định pháp luật về Khám bệnh, chữa bệnh.
"Trong quá trình thực hiện Luật khám bệnh, có những khó khăn, vướng mắc thì các đơn vị báo cáo để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Bộ Y tế ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ Y tế như: Vụ Pháp chế, Cục Quản lý khám chữa bệnh trong việc tham mưu xây dựng, trình và được Quốc hội thông qua dự án Luật cũng như những việc đang được thực hiện nhằm xây dựng các văn bản lý luận để sớm đưa những nội dung của Luật vào thực tiễn", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê giới thiệu các nội dung cơ bản của Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa được Quốc hội khóa XV thông qua sau 3 kỳ họp. Ảnh: Kim Vân
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe một số nội dung như: Giới thiệu Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15; Giới thiệu quy định về đánh giá năng lực hành nghề và cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15; Giới thiệu quy định về tài chính y tế trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15…
Được biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 gồm 12 chương và 121 điều, tăng 3 chương và 30 điều so với Luật hiện hành, trong đó điểm mới cơ bản là những quy định nhằm nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/01/2024./.
Theo: suckhoedoisong.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT