Bộ y tế
Triển khai chương trình phát triển y tế biển, đảo Việt Nam: Phải rõ đường đi nước bước ngay từ đầu
08/08/2023 - 161
Để chương trình phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030 sớm được ban hành và đi vào thực tiễn, đạt kết quả tốt, ngay từ đầu phải rõ đường đi nước bước và có cơ chế phối hợp, cơ chế đảm bảo trong triển khai thực hiện .
Sáng nay (7/8), tại TP. Hải Phòng, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 658/QĐ-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chỉ đạo hội nghị
Tham dự có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; đại diện Vụ Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng Chính phủ; đại biểu một số Bộ, Ban ngành Trung ương; một số vụ, cục, bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và 28 tỉnh, thành phố Trung ương có biển…
Quang cảnh hội nghị
Y tế biển, đảo cần được đầu tư nghiên cứu và phát triển
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Y học biển là chuyên ngành y học mới mẻ, rất rộng bao hàm từ y học dự phòng biển, y học lâm sàng biển, y học dưới nước và áp suất cao cho đến cấp cứu biển, phòng chống thảm họa biển… Do đó, việc đầu tư nghiên cứu và phát triển hoạt động y tế biển đảo là rất cần thiết.
Mặc dù các địa phương đã quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế, nhưng công tác y tế biển, đảo chưa đuợc như mong đợi, chưa đáp ứng đuợc nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, đặc biệt khi có thiên tai tham họa và những tình huống dặc biệt xảy ra trên biển; trong khi đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư riêng cho y tế khu vực biển, đảo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho các lao động, nhân dân trong khu vực biển, đảo. Nguồn vốn viện trợ, vốn vay hầu hết chưa được triển khai cho hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trên biển, đảo.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc hội nghị
Công ước Quốc tế về lãnh thổ quy định rõ: "Lãnh thổ của một quốc gia bao gồm vùng đất (kế cả vùng biển) có thường dân sinh sống, đồng thời phải có các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội diễn ra thường xuyên"; cho nên sự hiện diện của người dân trên đảo và các đội tàu đánh bắt cá xa bờ có ý nghĩa to lớn trong việc khẳng định chủ quyền lãnh hải và đảm bảo giữ vững chủ quyền an ninh trên biển của đất nước.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng đánh giá, tổ chức mạng lựới y tế biển, đảo của nước ta hiện còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu cấp cứu, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho lao động và nhân dân trong khu vực biển đảo, đặc biệt là lao động và người dân sinh sống, làm việc xa bờ.
Việt Nam là quốc gia biển với trên 3260 km bờ biển, tổng diện tích biển nước ta khoảng 1 triệu km2. Cả nước có 28/64 tinh thành phố có biển, trong đó có 12 huyện đảo với trên 3000 hòn đảo và có khoảng 1000 hòn đảo có người sinh sống. Số dân của 28 tỉnh, thành có biển chiếm gần nửa dân số cả nước và lực lượng trực tiếp lao động biển, đảo gần 6 triệu người…
Hội nghị hôm nay không chỉ quán triệt việc thực hiện triển khai Chương trình y tế biển đảo từ nay đến năm 2030, đáp ứng nhu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh, y tế dự phòng biển cho người dân và các lao động khu vực biển, đảo mà còn là vấn đề cần thiết, cấp bách, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tẩm nhìn đến nǎm 2045.
"Từ nhận thức về vai trò của hệ thống biển, đảo quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an ninh quốc phòng nên Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của BCH TW Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của BCH TW Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Đề án "Phát triển Y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020", đặc biệt là Quyết định số 658/QD-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Quyết định số 658/QĐ-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp cho các Bộ ngành; trong đó Bộ Y tế sẽ chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các nhiệm vụ để triển khai Chương trình do Bộ Y tế thực hiện. Xây dựng dự toán triển khai các nhiệm vụ của Bộ Y tế để thực hiện chương trình, tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định. Hướng dẫn xây dựng các phương án, quy chế phối hợp liên ngành trong việc đảm bảo y tế, tham gia xử lý tình huống khẩn cấp về y tế trên biển, đảo theo từng cấp độ, từng khu vực. Chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế cho các đảo
Tại hội nghị, các ý kiến tham luận của Viện chiến lược và Chính sách y tế; Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần-Bộ Quốc phòng); Quân chủng Hải quân; Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa; Viện Y học biển; Trung tâm Y tế Quân dân y Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) được ghi nhận, đánh giá cao.
Các ý kiến chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Công tác phát triển y tế biển, đảo trong việc thực hiện chiến lược quốc phòng; công tác cấp cứu, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho ngư dân khu vực biển, cơ chế phối hợp với các đơn vị trên địa bàn, chế độ chính sách chi trả; chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các đảo xa bờ về tổ chức bộ máy, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, chuyên môn; phát triển ngành Y học biển và nguồn nhân lực phục vụ phát triển y tế biển đảo Việt Nam…
Đại biểu Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đề xuất: Cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế cho các đảo, bảo đảm hỗ trợ thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế tại các đảo để cán bộ, nhân viên y tế gắn bó với nghề, gắn bó với đảo. Các đơn vị cần phối hợp kịp thời cấp cứu, vận chuyển ngư dân bị nạn trên biển. Mỗi cụm đảo cần trang bị một phương tiện cấp cứu (tàu cứu hộ) có cơ chế vận hành khi được kích hoạt; có đầy đủ nhân lực huy động khi cần, có cơ số thuốc và trang thiết bị cấp cứu; đồng thời có hệ thống thông tin liên lạc kết nối trực tiếp với Tổng đài 115.
Ông Trịnh Ngọc Hiệp - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa trình bày tham luận
Đại biểu cũng mong muốn Bộ Y tế xây dựng chương trình đào tạo đặc trưng riêng cho nhân viên y tế khu vực biển đảo. Trên cơ sở đó, công tác huấn luyện, đào tạo kiến thức lẫn kỹ năng thực hành cấp cứu cho nhân viên y tế khu vực biển, đảo sẽ mang tính liên tục, thường xuyên để đáp ứng nhu cầu thực tế. Cần trang bị tủ thuốc cấp cứu và sổ tay hướng dẫn xử trí cấp cứu ban đầu trên tàu thuyền đánh bắt xa bờ; đồng thời hàng năm kiếm tra, điều chỉnh, thay thế, bổ sung….
Về phía Trung tâm Y tế quân dân y Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng cần rà soát bổ sung các văn bản hướng dẫn cụ thể, phù hợp cho hoạt động của Ban quân dân y các cấp; đặc biệt là các tiêu chí thành lập, quy chế phối hợp của Ban Quân dân y cấp huyện. Cùng với đó, cần điều chỉnh bổ sung các quy định về phạm vi cung ứng dịch vụ và các chính sách liên quan.
Ông Lê Công Thọ - Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) tham luận tại hội nghị.
Riêng đại diện Quân chủng Hải quân đề nghị Bộ Y tế báo cáo đề xuất với Chính phủ chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa và các Bộ ngành liên quan phối hợp kiện toàn tổ chức, đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế quân dân huyện đảo Trường Sa để đảm bảo y tế cho bộ đội và ngư dân hoạt động trong khu vực; ban hành cơ chế đặc biệt về việc đảm bảo y tế cho ngư dân trong thực hiện Chiến lược biển và Chiến lược Quốc phòng Việt Nam…
Ngay từ đầu triển khai phải rõ đường đi nước bước
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo TP. Hải Phòng và tham luận của các đơn vị, địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan mong muốn chương trình này sớm được ban hành và sớm đi vào thực tiễn đạt kết quả trong thời gian tới. Việc triển khai ngay từ đầu phải rõ đường đi nước bước và có cơ chế phối hợp cũng như cơ chế đảm bảo triển khai thực hiện để chương trình này đạt được hiệu quả cao nhất.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao đổi bên lề hội nghị với lãnh đạo thành phố Hải Phòng và một số đại biểu.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan chụp ảnh cùng các đại biểu
Bộ trưởng Đào Hồng Lan chụp ảnh kỷ niệm cùng một số đại biểu dự hội nghị.
Về phía Bộ Y tế, ban hành kế hoạch này để triển khai kế hoạch đến các cụm đơn vị với các nhiệm vụ hết sức cụ thể. Đề nghị các cụm, ngành, các đơn vị cần rà soát để thấy được việc triển khai đề án này theo tiến độ… Đối với các Bộ ngành, cần đưa vào chương trình của năm 2024 và những giai đoạn tiếp theo để xây dựng nhiệm vụ cụ thể, có dự toán ngân sách cụ thể cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng mong các địa phương quan tâm đến những nội dung trong hội nghị để có những kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả.
Tại Quyết định của của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030 chỉ rõ mục tiêu: Đến năm 2025 sẽ có 40% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2 (70% năm 2030); 70% trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, cơ sở y tế dự phòng quân đội tại các tỉnh có biển được đầu tư, nâng cấp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trên khu vực biển, đảo (100% năm 2030). Có 70% tàu cá khai thác hải sản xa bờ được trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế theo quy định (100% năm 2030); 80% tàu vận tải biển - tàu viễn dương thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển (100% năm 2030); 80% người dân vùng biển, đảo được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng dự phòng bảo vệ sức khỏe, kỹ năng tự sơ cấp cứu và vận chuyển người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo (100% năm 2030)… |
Theo: Suckhoedoisong.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT