Dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh), các bác sĩ Khoa Hồi sức - phẫu thuật tim Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã thực hiện thành công ca phẫu thuật tim hở đầu tiên ở Đồng Nai vào ngày 19-10-2016.
Sau hơn 5 ngày được các bác sĩ phẫu thuật tim, bệnh nhân Nguyễn Thị Phương Bích Linh (26 tuổi, ngụ tại xã Phú Trung, huyện Tân Phú, bị bệnh tim bẩm sinh: hở van 3 lá, thông liên nhĩ) đã tỉnh táo, có thể ăn uống được. Theo đánh giá của các bác sĩ, bệnh nhân đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm, sức khỏe khá ổn định, vết mổ khô, bớt đau nhiều, hồi phục tốt. Kỹ thuật khó, phức tạp Bác sĩ Hoàng Văn Minh, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất kiêm Trưởng khoa Hồi sức - phẫu thuật tim, cho biết phẫu thuật tim là một phẫu thuật khó, phức tạp nên yêu cầu của một ca mổ tim rất cao và nghiêm ngặt, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp ăn ý từ khâu chẩn đoán, chọn bệnh, hội chẩn, tiền phẫu, phẫu thuật và hậu phẫu, hồi sức. Để triển khai được ca phẫu thuật tim đầu tiên, bệnh viện đã mất 6 năm để chuẩn bị khá kỹ lưỡng, chu đáo cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực.
Bác sĩ Đỗ Trung Dũng, Khoa Hồi sức - phẫu thuật tim Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bác sĩ trực tiếp tham gia phẫu thuật, chia sẻ phẫu thuật tim khác với các phẫu thuật khác là trong lúc phẫu thuật phải thiết lập hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể, ngưng tim bệnh nhân mới có thể sửa chữa các tổn thương trong tim, như: sửa van tim, đóng lỗ thông liên nhĩ. Nếu thời gian ngưng tim càng lâu, quá trình hồi sức càng khó, đòi hỏi các kỹ thuật của bác sĩ phải nhanh, chính xác. Quan trọng nhất phải có sự phối hợp nhịp nhàng của 3 ê-kíp trong lúc mổ là: phẫu thuật - chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể - gây mê. Như vậy, trong phẫu thuật tim hở, khâu gây mê và hồi sức đóng vai trò quan trọng không kém. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Loan, Phó khoa Gây mê - hồi sức Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết trong phẫu thuật tim hở căng thẳng hơn các phẫu thuật khác. Vì trong ca mổ, bệnh nhân phải ngưng tim và được thiết lập hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể bằng các máy tim phổi, đòi hỏi bác sĩ, điều dưỡng gây mê, hồi sức phải liên tục theo dõi sinh hiệu và các chỉ số khác trên máy, tuyệt đối không được rời mắt; cách sử dụng thuốc cũng chuyên biệt hơn. Đặc biệt điều kiện vô khuẩn gần như tuyệt đối vì nhiễm trùng trong phẫu thuật tim vô cùng nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Sau phẫu thuật, phải chăm sóc bệnh nhân theo một chế độ nghiêm ngặt với theo dõi thở máy hỗ trợ, chế độ dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu đúng chỉ định thì bệnh nhân mới nhanh hồi phục * Bước tiến mới Có thể nói rằng việc triển khai phẫu thuật tim hở sẽ tạo ra một bước tiến mới trong điều trị tim mạch ở Đồng Nai. Bởi theo Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng, bệnh lý tim mạch ở Đồng Nai còn rất nhiều, trong đó có nhiều trẻ bị bệnh tim bẩm sinh đang chờ phẫu thuật ở các bệnh viện tuyến trên thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Việc triển khai phẫu thuật tim hở cũng như việc Bộ Y tế cho phép Trung tâm tim mạch can thiệp - phẫu thuật tim Bệnh viện đa khoa Thống Nhất là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy trong điều trị các bệnh về tim mạch đã giúp bệnh nhân tim mạch trong tỉnh và các vùng lân cận có cơ hội điều trị bệnh gần nhà, giảm chi phí đi lại, điều trị mà không phải đi xa, chờ đợi lâu.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng cho hay thời gian đầu, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất tiến hành phẫu thuật các ca thông liên nhĩ, sửa chữa van tim. Sau khi phẫu thuật các ca mổ tim hở đầu tiên, bệnh viện sẽ xây dựng quỹ kêu gọi các mạnh thường quân, các tổ chức xã hội từ thiện trong tỉnh, xin phép Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Tài chính để có kinh phí tốt nhất giúp các cháu bị bệnh tim bẩm sinh trên địa bàn tỉnh phẫu thuật tim. Bệnh viện cũng sẽ phối hợp Bệnh viện nhi đồng 2 TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai để đạt kết quả phẫu thuật tốt nhất. |
|||||
Đặng Ngọc - baodongnai.com.vn |