Bộ y tế
Trong cộng đồng đã có mầm bệnh, phải sẵn sàng ‘trực chiến’
15/05/2021 - 219
Mặc dù các ổ dịch đang trong tầm kiểm soát nhưng trong cộng đồng đã có mầm bệnh, với điều kiện giao lưu, thông thương hiện nay, có thể bùng phát ở bất kỳ địa phương nào, lây nhiễm cho bất cứ ai. Cả hệ thống phải trong tình trạng “trực chiến”, khi phát hiện ca chỉ điểm là “ra quân” nhanh nhất, khoanh vùng ngay lập tức.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải có các phương án, hướng dẫn cụ thể đối với từng tình huống dịch, lúc nào, ở đâu dùng loại xét nghiệm nào kết hợp với công nghệ nào cho hiệu quả nhất. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, chiều 14/5.
Cơ bản kiểm soát các nguồn lây
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết diễn biến các nguồn lây nhiễm liên quan đến Hà Nam; Vĩnh Phúc, Yên Bái, đã được kiểm soát, không có khả năng lây lan ra cộng đồng.
Chùm ca bệnh tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều được ghi nhận từ ngày 6/5, với 18 trường hợp tại bệnh viện và 28 ca bệnh được ghi nhận tại 8 tỉnh, thành phố, là người bệnh, người nhà bệnh nhân trở về từ Bệnh viện K trong khoảng thời gian từ 22/4-6/5/2021 và những trường hợp tiếp xúc gần đã được quản lý và cách ly. Bệnh viện K đang thực hiện làm sạch từng bộ phận, khoa phòng.
Đối với nguồn lây nhiễm liên quan đến Đà Nẵng đã ghi nhận 134 trường hợp mắc bệnh từ chùm ca bệnh tại cơ sở mát xa và có liên quan đến quán bar New Phương Đông (quận Hải Châu), tiếp đó lây lan sang thẩm mỹ viện AMIDA ở cùng quận và tập trung chủ yếu tại đây, và lan ra một số các tỉnh, thành phố khác.
Ngoài ra, ngày 12/5, Đà Nẵng ghi nhận chùm ca bệnh công ty Tân Trường Minh (khu công nghiệp An Đồn) với số lượng ca mắc đến nay là 45 ca.
Mặc dù chùm lây nhiễm tại khu công nghiệp An Đồn đã bước đầu được kiểm soát, số lượng xét nghiệm thực hiện tại đây rất lớn và hầu hết cho kết quả âm tính, tuy nhiên, nguồn lây nhiễm tại Đà Nẵng chưa được xác định rõ nên có khả năng ghi nhận các ca bệnh ở những khu vực khác. Các tỉnh khác có ca nhiễm liên quan đến TP. Đà Nẵng vẫn có thể xuất hiện ca mới, phải sẵn sàng truy vết, khoanh vùng nhanh.
Tại Hà Nội đã ghi nhận 76 ca nhiễm, đều xác định rõ nguồn lây và dự kiến tới đây có thể ghi nhận một số ca nhiễm nhưng với kinh nghiệm đã có, các lực lượng của TP. Hà Nội sẵn sàng truy vết kịp thời, kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Về nguồn lây tại tỉnh Hải Dương ghi nhận 5 ca bệnh tại cộng đồng được cho là có nguồn gốc nhập cảnh nước ngoài. Tất cả các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh hiện đã được quản lý và cách ly.
Về chùm ca mắc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngoài những trường hợp được cách ly từ trước, thì các ca mắc có liên quan được ghi nhận chủ yếu tại hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) đã tiến hành cách ly toàn bộ và chỉ tiếp nhận những ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng.
Nguy cơ dịch xâm nhập cộng đồng ở Bắc Ninh, Bắc Giang
Tại Bắc Ninh, đa số các trường hợp bệnh tập trung tại chùm ca bệnh ở huyện Thuận Thành và bắt đầu ghi nhận một số ca bệnh tại khu công nghiệp . Bắc Ninh là địa phương có nhiều khu công nghiệp và đã có các trường hợp là F1 của các bệnh nhân trước đó tới làm việc. Do vậy, nguy cơ các khu công nghiệp có ca xâm nhập từ cộng đồng là rất lớn.
Còn tại Bắc Giang, hầu hết các ca bệnh liên quan đến Khu công nghiệp Vân Trung, từ 1 công ty đã lan sang nhiều công ty. Ngoài ra, những công nhân mắc bệnh đã làm lây nhiễm bệnh cho người dân ở khu vực xung quanh. Nếu không quản lý chặt chẽ ổ dịch tại khu công nghiệp thì nguy cơ xuất hiện các chùm ca bệnh lớn ngoài cộng đồng là rất cao.
Thường trực Ban Chỉ đạo, các chuyên gia đã phân tích, thảo luận cụ thể về công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Bắc Giang như: Khoanh vùng đã đủ nhanh, đủ kịp, đủ gọn, đủ chặt chưa; năng lực xét nghiệm, tốc độ lấy mẫu, truy vết đáp ứng yêu cầu chống dịch đến đâu; hướng dẫn, trợ giúp từ Trung ương.
“Một trong những khó khăn của Bắc Ninh, Bắc Giang là có lao động làm việc trong các khu công nghiệp sinh sống ở nhiều tỉnh, thành phố khác, do việc quản lý công nhân, đặc biệt là những trường hợp F2 tại nơi cư trú gặp nhiều khó khăn”, ông Đặng Quang Tấn cho biết.
Đơn cử, ngày 14/5, cán bộ của Cục Y tế dự phòng đã gọi điện thoại kiểm tra xác suất 66 trường hợp thuộc diện F2 được công bố cách đó 2 ngày thì vẫn còn 22 trường hợp chưa được chính quyền, y tế cơ sở thông tin những người này thuộc diện theo dõi, cách ly tại nhà.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương phải thực hiện rất nghiêm túc vì nếu không “chỉ 2 ngày cũng có thể thành ổ dịch mới”. Vì vậy, Bộ Y tế phải tăng cường nhóm tình nguyện viên hỗ trợ thông tin quản lý các trường hợp F2, F3, ngoài công cụ nhắn tin bằng máy, qua mạng thì tiếp tục gọi điện thoại trực tiếp đã làm rất tốt từ năm 2020.
Thường trực ban Chỉ đạo, chuyên gia đã phân tích và cho rằng phải nhanh chóng kiện toàn và tái kích hoạt tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia, làm nhiệm vụ giúp Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế phân tích thông tin, dữ liệu, ý kiến chuyên gia; thiết lập cơ chế giám sát các đối tượng nhập cảnh, đối tượng cách ly trong suốt quá trình từ khi nhập cảnh đến hết giai đoạn cách ly, theo dõi y tế sau cách ly, đồng thời xác minh những thông tin khó mà bằng phương pháp truy vết thông thường không giải quyết được.
Tổng hợp các nguồn thông tin ngoài y tế để giúp hệ thống y tế xây dựng các kịch bản ứng phó, nhất là trong các hoàn cảnh đặc biệt như các đợt nghỉ lễ, các sự kiện văn hóa xã hội đặc biệt; xây dựng bản đồ an toàn COVID-19, thường xuyên đánh giá xếp hạng và xác định những điểm nguy cơ nhằm mục đích đưa ra cảnh báo sớm và đáp ứng nhanh ở các cấp độ khác nhau, làm cơ sở để các địa phương biết, phát huy nếu đã làm tốt hoặc hoàn thiện nếu làm chưa tốt.
“Chúng ta cũng phải tăng cường phối hợp chia sẻ dữ liệu giữa lực lượng công an truy vết ở cơ sở với việc truy vết, theo dõi bằng QR Code, tờ khai y tế điện tử, để hỗ trợ địa phương truy vết, khoanh vùng hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng nhắc nhở thêm.
Thường trực ban Chỉ đạo, chuyên gia đã phân tích và cho rằng phải nhanh chóng kiện toàn và tái kích hoạt tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia. Ảnh: VGP/Đình Nam
Bảo đảm an toàn nơi sản xuất và nơi cư trú
Từ thực tế có khoảng 2.000 người sinh sống ở Hà Nội đang làm việc trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, các ý kiến cho rằng, chính quyền các tỉnh có khu công nghiệp ghi nhận ca nhiễm phải thông báo, phối hợp quản lý với các địa phương mà người làm việc sinh sống.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Các địa phương chống dịch nhưng không được “ngăn sông, cấm chợ”, gây ách tắc. Tuy nhiên nếu không kiểm soát tốt những kỹ sư, công nhân đang làm việc ở vùng có dịch nhưng cư trú ở địa phương khác, trong đó có Hà Nội, thì sẽ mang lại nguy cơ dịch bệnh cho nơi cư trú. Bộ Y tế cần tiếp tục chỉ đạo hai tỉnh, từ đó có cơ chế nhân rộng ra các tỉnh có khu công nghiệp tập trung phải có danh sách kỹ sư, công nhân, người lao động cư trú ở tỉnh khác để trong trường hợp có dịch thì ưu tiên tăng cường xét nghiệm bằng phương pháp, tần suất xét nghiệm phù hợp, bảo đảm an toàn cả nơi sản xuất và nơi cư trú.
Khẩn trương tăng cường năng lực xét nghiệm
Qua phân tích việc kiểm soát dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Thường trực Ban Chỉ đạo, các chuyên gia nhận định dù đã khoanh vùng nhanh chóng, kịp thời nhưng năng lực xét nghiệm chưa đáp ứng được tốc độ lấy mẫu, truy vết nên thời gian dập dịch, kiểm soát dịch bệnh bị kéo dài.
Cụ thể, công suất xét nghiệm của Bắc Giang khoảng 1.500 mẫu/ngày, tỉnh đã lấy được khoảng 30.000 mẫu, nhưng đến nay vẫn còn khoảng trên 6.000 mẫu chưa có kết quả. Bắc Giang đang gấp rút tăng cường năng lực xét nghiệm với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, một số tỉnh lân cận như Quảng Ninh, một số đơn vị để giải quyết cơ bản vấn đề xét nghiệm, đáp ứng được tốc độ truy vết, lấy mẫu.
Đánh giá cao việc tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ Bắc Giang đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế phải có phương án tăng cường năng lực xét nghiệm cho các địa phương
Thường trực Ban Chỉ đạo, các chuyên gia cũng dành thời gian thảo luận về phương án sử dụng kết hợp các công nghệ xét nghiệm (kháng thể, kháng nguyên) trong khu cách ly, sàng lọc tại bệnh viện, những khu vực có dịch bệnh, nguy cơ cao;…
GS.TS Lê Quang Cường cho biết hiện có nhiều loại xét nghiệm SARS-CoV-2 khác nhau nên câu hỏi đặt ra là khi nào dùng loại xét nghiệm gì, để đạt được hiệu quả tối đa. Bên cạnh hướng dẫn chung, chúng ta rất cần có tổ chuyên môn tư vấn, điều phối, hỗ trợ các tỉnh sử dụng các giải pháp xét nghiệm phù hợp với từng ổ dịch, điểm dịch.
“Bộ Y tế vừa qua đã tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, địa phương để bàn và có hướng dẫn kết hợp các loại xét nghiệm, công nghệ xét nghiệm. Ngoài những vấn đề có tính nguyên tắc, chiến lược về xét nghiệm, khó nhất là phải có các phương án, hướng dẫn cụ thể đối với từng tình huống dịch, lúc nào, ở đâu dùng loại xét nghiệm nào kết hợp với công nghệ nào cho hiệu quả nhất, tránh cực đoan, tuyệt đối hoá xét nghiệm PCR hay sử dụng ồ ạt xét nghiệm nhanh. Nếu chúng ta không hướng dẫn kỹ thì không hiệu quả và gây lãng phí”, Phó Thủ tướng hết sức lưu ý và yêu cầu Bộ Y tế tổ chức nhóm chuyên gia về xét nghiệm hỗ trợ cho các địa phương có dịch, tương tự như cơ chế hoạt động của nhóm chuyên gia hỗ trợ điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng cho các bệnh viện cả nước.
Mỗi người an toàn thì cả nước mới an toàn
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh tất cả các lực lượng chức năng, các địa phương, đặc biệt những địa phương “nóng nhất” trong thời gian qua như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng đã rất tích cực.
Đến nay các ổ dịch ở Hà Nam, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc cơ bản được kiểm soát, những ngày tới đây sẽ còn xuất hiện ca nhiễm mới nằm trong khu cách ly, khoanh vùng hoặc rõ nguồn lây. Tuy nhiên, tốc độ kiểm soát dịch bệnh của hai địa phương này chậm hơn dự kiến, mà một trong những nguyên nhân là tốc độ xét nghiệm chậm. Bộ Y tế phải tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ Bắc Ninh, Bắc Giang để trong 2 ngày, cùng lắm 3 ngày tới cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Theo Phó Thủ tướng, mặc dù các ổ dịch đang trong tầm kiểm soát nhưng như Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh nhiều lần, rõ ràng trong cộng đồng đã có mầm bệnh, với điều kiện giao lưu, thông thương hiện nay, có thể bùng phát ở bất kỳ địa phương nào, lây nhiễm cho bất cứ ai. Cả hệ thống phải trong tình trạng “trực chiến”, khi phát hiện ca chỉ điểm là “ra quân” nhanh nhất, khoanh vùng ngay tập tức.
Thực tiễn vừa qua cho thấy những nơi không làm nghiêm việc thực hiện 5K đối với cá nhân, an toàn COVID đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp thì đã để xảy ra hậu quả. Tới đây, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, nơi nào thực hiện không nghiêm, để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh, dứt khoát phải xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.
Thay mặt Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi người dân thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, có thói quen sát khuẩn thường xuyên để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 qua giọt bắn và từ bề mặt như bàn, ghế; thực hiện an toàn COVID đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp … Có như vậy chúng ta mới kiểm soát được dịch bệnh, khống chế các ổ dịch, không để đến mức phải cách ly xã hội, không để người tử vong nhiều như các nước. Mỗi người an toàn thì cả nước mới an toàn. /.
Nguồn: Chinhphu.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT