PGS.TS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ thông tin về về hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ trong tiêm chủng vắc xin COVID-19.
PV: Ông có thể lý giải cụ thể hơn về tình trạng đông máu sau tiêm vắc xin COVID-19? Nguyên nhân xảy ra hiện tượng đông máu sau tiêm vắc xin?
PGS.TS Đào Xuân Cơ: Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu- EMA (Eropean Medicines Agency) xác nhận có một số trường hợp rất hiếm gặp (tỷ lệ 1-4 ca /1 triệu người tiêm) trong vòng 1-2 tuần sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca xuất hiện huyết khối, giảm tiểu cầu.
Về nguyên nhân cơ chế chưa thực sự rõ ràng, tuy nhiên các nhà khoa học nghiên cứu cho thấy, sau tiêm vắc xin COVID-19 rất hiếm gặp trường hợp cơ thể có thể sinh ra kháng thể chống lại yếu tố 4 tiểu cầu (PF4). Phức hợp kháng thể này kích hoạt tiểu cầu quá mức dẫn đến giảm tiểu cầu, gây huyết khối.
Tuy nhiên mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford – của Anh đã đưa ra báo cáo rằng nguy cơ xuất hiện huyết khối tĩnh mạch não (CVT), còn được gọi là hiện tượng đông máu hiếm gặp, nếu mắc COVID-19 cao gấp khoảng 100 lần so với bình thường, cao hơn nhiều lần so với sau khi tiêm chủng phòng COVID-19 hoặc sau khi mắc bệnh cúm.
Tại Việt Nam, đến nay đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại 22 tỉnh, thành phố cho khoảng gần 80.000 nghìn người, tuy nhiên chưa gặp trường hợp nào có biểu hiện phản ứng đông máu.
Các phản ứng phụ gặp sau tiêm hay gặp là: sốt, mệt mỏi, đau nơi tiêm… với tỷ lệ khoảng 33%; một số có biểu hiện phản ứng dị ứng mức độ nhẹ, trung bình. Tỷ lệ này thấp hơn ghi nhận của nhà sản xuất và một số quốc gia khác.
Chỉ có khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tất cả đều được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế và đã hồi phục hoàn toàn.
PV: Về mặt chuyên môn, đông máu sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 có thể được xứ lý như trường hợp đông máu thông thường không, thưa ông?
PGS.TS Đào Xuân Cơ: Về điều trị rối loạn đông máu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cũng giống như các rối loạn đông máu thông thường.
Hiện tại tiểu ban hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đã xây dựng xong phác đồ “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin COVID-19” trình Bộ Y tế ban hành.
Phác đồ xây dựng theo hướng rất chi tiết, dễ theo dõi và thực hiện, nhằm giúp các cơ sở tiêm chủng sẵn sàng xử trí hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 để xử trí kịp thời ngay tại cộng đồng và y tế cơ sở. Đồng thời cũng hướng dẫn người tiêm vắc xin phát hiện sớm dấu hiệu sau khi tiêm để tới các cơ sở điều trị kịp thời.
PV: Tuy nhiên, đứng trước thực trạng không phải địa phương nào cũng có chuyên gia để xử lý vấn đề này, theo ông chúng ta cần làm gì để đảm bảo tiêm chủng an toàn?
PGS.TS Đào Xuân Cơ: Trước triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn toàn quốc rất chi tiết về việc tiếp nhận và bảo quản vắc xin, tổ chức buổi tiêm chủng, khám sàng lọc trước buổi tiêm chủng.
Đồng thời, Bộ Y tế đã tiến hành tập huấn trên toàn quốc Thông tư 51/TT-BYT về hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ. Và đặc biệt mới đây- ngày 15/4, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 1888/QĐ-BYT thành lập “Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19” bao gồm các đồng chí Lãnh đạo Bộ Y tế, Lãnh đạo các Vụ/Cục liên quan của Bộ Y tế; cùng các nhà khoa học là các chuyên gia hàng đầu trong nước về các lĩnh vực tiêm chủng, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, huyết học, tim mạch, thần kinh… thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn tổ chức sàng lọc, theo dõi, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin COVID-19 để kịp thời hỗ trợ các địa phương xử trí mọi tình huống xảy ra của tiêm chủng với mục tiêu đặt ra là tổ chức “tiêm phòng đến đâu an toàn đến đó”.
Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng các địa phương phải thường xuyên cập nhật, phổ biến cho cán bộ y tế tại các điểm tổ chức tiêm chủng tuân thủ các hướng dẫn về khám sàng lọc trước khi tiêm; chẩn đoán, điều trị và theo dõi sau tiêm vắc xin COVID-19 của Bộ Y tế.
Đồng thời cần hướng dẫn người dân tự theo dõi sau tiêm tại nhà, nếu có biểu hiện như: Đau đầu, đau bụng, khó thở, chảy máu… phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.
Tại hội nghị về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nêu rõ, thông qua hệ thống kết nối khám chữa bệnh từ xa với 1.500 điểm cầu, các chuyên gia luôn sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới khi cần qua hệ thống Telehealth.
Do đó các điểm tiêm chủng ở y tế cơ sở sẽ luôn được hỗ trợ kịp thời về chuyên môn trong xử trí các phản ứng nặng sau tiêm chủng.
PV: Ông khuyến cáo thế nào với người đi tiêm chủng về vấn đề đông máu sau tiêm?
Đến nay Việt Nam đã tiêm chủng cho gần 80.000 người, tuy nhiên chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện phản ứng đông máu
PGS.TS Đào Xuân Cơ: Người dân yên tâm đi tiêm chủng vì hiện tượng đông máu sau khi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 rất hiếm khi xảy ra.
Tuy nhiên, sau tiêm chủng, người dân cần tự theo dõi, nếu có một trong các biểu hiện sau, cần phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời tránh biến chứng:
- Đau đầu, Nhìn mờ, nhìn đôi, co giật , tê yếu, liệt
- Đau ngực, Khó thở
- Đau bụng dai dẳng
- Phù 2 chi dưới
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
"COVID-19 gây ra nguy cơ đông máu nhiều hơn so với vắc xin ngừa COVID-19" Paul Harrison- Giáo sư tâm thần học và Trưởng nhóm Sinh học thần kinh tại Đại học Oxford, cho biết: Có một số lo ngại về khả năng có mối liên hệ giữa các vắc xin ngừa COVID-19 và nguy cơ xuất hiện huyết khối tĩnh mạch não (CVT), còn được gọi là hiện tượng đông máu khiến các Chính phủ và cơ quan quản lý hạn chế việc sử dụng một số loại vắc xin nhất định. Tuy nhiên, có một câu hỏi quan trọng khác chưa được làm rõ trước đây là: Nguy cơ xuất hiện CVT sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19 là gì? . “Chúng tôi đã đi đến được hai kết luận quan trọng. Thứ nhất, nhiễm COVID-19 làm tăng rõ rệt nguy cơ CVT, bên cạnh các vấn đề đông máu mà bệnh này gây ra. Thứ hai, nguy cơ từ nhiễm COVID-19 cao hơn so với nguy cơ từ những vắc xin ngừa COVID-19 vẫn đang được xem xét, ngay cả đối với những người dưới 30 tuổi. Đây là yếu tố cần được tính đến khi xem xét sự cân bằng giữa lợi ích và rủi ro từ việc tiêm chủng”. |
Thái Bình (thực hiện)
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/tuyen-duoi-co-the-xu-ly-duoc-dong-mau-do-tiem-vac-xin-phong-covid-19-nho-he-thong-telehealth-n190219.html?fbclid=IwAR3XJpr88DNcpCQvcQH6KyWoAmjMM0E2gCVDxh8QbEf1_78clFNAUbSqT4Y