Đại dịch Covid-19 đang làm xáo trộn đời sống của nhiều người. Công việc gián đoạn, giảm thu nhập, phải nghỉ học khi đang trong giai đoạn nước rút ôn thi cuối cấp, đi lại hạn chế; xa cách người thân, thậm chí đột ngột mất người thân vì dịch bệnh... đang làm gia tăng các vấn đề xã hội liên quan đến các vấn đề tâm lý như: căng thẳng thần kinh (stress), rối loạn lo âu, thậm chí cả trầm cảm.
Trong những ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đọc sách cũng là một cách làm giảm căng thẳng |
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, ngay cả khi đại dịch Covid-19 đi qua, thì những ảnh hưởng và hệ lụy của các vấn đề về sức khỏe tâm thần sẽ còn tiếp tục gây áp lực lên hàng triệu người trên thế giới.
* Không chủ quan với stress
Sau khi biết em gái định cư ở Mỹ đột ngột qua đời vì nhiễm Covid-19 từ tháng 7-2020 đến nay đã gần 1 năm nhưng bà Thái Thị Liên (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) vẫn chưa nguôi ngoai đau buồn. Một phần vì bà quá xót xa khi mất người thân, một phần bà bị ám ảnh bởi cái chết đau đớn của em gái mình. Bà Liên bị bệnh tim, sự đau buồn càng khiến bà thêm suy sụp về tinh thần, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn tiến phức tạp hơn. Do đó, gia đình bà không khỏi lo lắng và muốn tìm một nơi điều trị tâm lý cho bà.
Theo thống kê từ Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, từ tháng 5-2020 đến nay, tỷ lệ bệnh nhân đến khám và điều trị các chứng liên quan đến sức khỏe tâm thần gia tăng khoảng 30%, với trên dưới 300 người khám bệnh/ngày. Bệnh nhân chủ yếu bị rối loạn lo âu, căng thẳng, cảm thấy không có động lực, trầm cảm và muốn tự tử. Đây là tỷ lệ tăng đáng báo động. |
Không chỉ bị sang chấn tâm lý vì mất người thân, không ít người bị mất việc, giảm thu nhập, không có thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng bị stress, nhất là những gia đình phải chạy ăn từng bữa. Chị Nguyễn Thị Kim Lan (ngụ P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ, gia đình chị buộc phải cách ly y tế tại nhà 14 ngày vì công ty nơi chồng chị làm việc có ca F1. Vừa lo nhiễm bệnh vừa lo không có tiền trang trải chi phí trong nhà vì chị không thể ra chợ bán hàng, trong khi tiền lương của chồng chị chưa tới ngày lĩnh. Cuộc sống thiếu thốn, vợ chồng chị luôn trong tâm trạng âu lo.
BS Trần Thanh Liêm, Trưởng khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2) cho biết, hiện nay người dân mới chỉ quan tâm đến các bệnh thực thể mà chưa quan tâm đúng mức, hiểu biết chưa đủ về sức khỏe tâm thần. Đáng lo ngại hơn khi nhiều người bị các sang chấn tâm lý, căng thẳng, trầm cảm nặng nhưng không hề biết mình đang bị bệnh, dẫn đến phát sinh hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh thực thể, thậm chí có hành vi tiêu cực.
Cụ thể như ngày 27-4, một phụ nữ trẻ nhảy cầu Hóa An (TP.Biên Hòa) xuống sông Đồng Nai tự tử, để lại con thơ. Trong thư tuyệt mệnh để lại, người mẹ trẻ này đã viết: “... không muốn sống một cuộc sống như thế này nữa, mệt mỏi lắm rồi” và nhờ cha mẹ, chồng thay mình tiếp tục nuôi con. Không biết chính xác nguyên nhân người mẹ trẻ tự tử là gì, song qua thư tuyệt mệnh có thể thấy, người phụ nữ này đã có một thời gian dài đối mặt với các sang chấn tâm lý nặng nề, dẫn đến bế tắc và muốn giải thoát bởi sự căng thẳng đã quá mức chịu đựng.
Theo BS Liêm, nếu người mẹ trẻ trên được người thân phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường như: căng thẳng, lo âu quá mức để có biện pháp giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, bế tắc hoặc được quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần ngay từ đầu thì đã không xảy ra sự việc đau lòng.
* Cần có kênh hỗ trợ tư vấn sức khỏe tâm thần
Ngày 24-5, tại buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề: “Vượt qua stress trong mùa dịch Covid”, PGS-TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ khiến sức chống chọi của con người kém hơn, dễ có những hành vi tiêu cực hơn. Do đó, nhiều quốc gia đã lập đường dây nóng hoặc kênh tư vấn tâm lý cho những người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, để họ có thêm sự mạnh mẽ, vượt qua khó khăn thách thức của dịch bệnh, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng tự tử. Tại Việt Nam vẫn chưa có một kênh thông tin chính thức hỗ trợ tư vấn tâm lý cho những người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt trong thời dịch Covid-19.
Tập thể dục tại nhà trong đợt dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái để đối phó với những tác động tiêu cực không muốn |
Hiện nay, bên cạnh các phòng khám tâm lý của các bệnh viện, cũng có nhiều kênh tư vấn tâm lý trực tuyến hoặc qua điện thoại của các chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận các kênh hỗ trợ này, một phần do không rành về công nghệ, một phần là do không có kinh phí. Nhiều người mong muốn có một kênh thông tin chính thức hỗ trợ tư vấn tâm lý cho những người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Nhiều ý kiến cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, những tác động tiêu cực của dịch bệnh chưa biết bao giờ chấm dứt. Do đó, bên cạnh việc quan tâm, ban hành các chính sách an sinh, xã hội, các ngành chức năng cũng cần quan tâm tạo một kênh hỗ trợ tư vấn tâm lý giúp kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ cho những người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần có giải pháp tự vượt lên chính mình hoặc có cách nghĩ, cách sống tích cực hơn, mạnh mẽ hơn vượt qua đại dịch này.
Phương Liễu
Nguồn: baodongnai.com.vn