CHỦ ĐỀ 1. XU HƯỚNG MỚI TRONG TẦM SOÁT UNG THƯ ĐA CƠ QUAN: MCED DỰA TRÊN PHÂN TÍCH ctDNA
Hiện nay, công nghệ MCED (Multi-cancer early detection) dựa trên phân tích ctDNA đang trở thành xu hướng m trong lĩnh vực tầm soát và phát hiện sớm ung thư. Vậy công nghệ này thực sự là gì và có thể mang lại những lợi ích gì cho con người?
Phát hiện sớm ung thư đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, các chương trình sàng lọc hiện nay, theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Lực lượng Dự phòng Hoa Kỳ (The United States Preventive Services Task Force), chỉ áp dụng cho năm loại ung thư phổ biến là ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, tuyến tiền liệt và phổi. Điều này tạo ra một lỗ hổng lớn khi nhiều loại ung thư khác vẫn chưa có phương pháp phát hiện sớm hiệu quả.
Trước thực tế đó, sự ra đời của công nghệ tầm soát ung thư dựa trên phân tích ctDNA (DNA khối u lưu hành trong máu) đã mang đến một bước ngoặt lớn. Công nghệ này cho phép phát hiện nhiều loại ung thư khác nhau chỉ bằng một mẫu máu. Đây là một tiến bộ đáng kể, mang lại hy vọng mới cho việc tầm soát và phát hiện sớm các loại ung thư chưa có chương trình sàng lọc, đồng thời mở ra cơ hội cho những tiến bộ lớn trong lịch sử y học của loài người.
Tổng quan về công nghệ MCED dựa trên phân tích ctDNA - Xu hướng mới tầm soát đa ung thư
MCED dựa trên phân tích ctDNA là gì?
MCED (Multi-Cancer Early Detection) dựa trên phân tích ctDNA là công nghệ mới ứng dụng kỹ thuật sinh thiết lỏng để phát hiện nhiều loại ung thư chỉ trong một lần xét nghiệm. Công nghệ này dựa trên việc phân tích ctDNA (circulating tumor DNA) – các đoạn DNA ngắn từ tế bào ung thư được phóng thích vào máu trong chu trình của mình. MCED phân tích những mảnh DNA này để tìm dấu vết ung thư, ngay cả khi khối u còn rất nhỏ.
Đặc biệt, MCED hữu ích cho các loại ung thư chưa có chương trình sàng lọc như ung thư tụy, buồng trứng và gan,... Các loại ung thư này thường tiến triển rất nhanh và khó phát hiện sớm bằng phương pháp truyền thống.
Một lợi thế lớn của MCED là khả năng phát hiện nhiều loại ung thư cùng lúc chỉ trong một lần xét nghiệm, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và mở rộng phạm vi tầm soát cho những loại ung thư mà các phương pháp hiện tại chưa thể bao phủ. Với khả năng này, MCED có tiềm năng lấp đầy lỗ hổng trong các chương trình sàng lọc hiện tại, giảm thiểu đáng kể tỷ lệ tử vong do ung thư.
MCED là khả năng phát hiện nhiều loại ung thư cùng lúc chỉ trong một lần xét nghiệm. Nguồn: Berry Oncology
Tình hình ứng dụng MCED thông qua phân tích ctDNA trên thế giới
Công nghệ MCED dựa trên phân tích ctDNA hiện đã và đang được nhiều quốc gia đầu tư phát triển với hy vọng sẽ được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế. Tại Hoa Kỳ, chỉ tính riêng trong năm 2023, 150,000 xét nghiệm Galleri - tầm soát đa ung thư dựa trên công nghệ phân tích ctDNA, đã được thực hiện. Con số này cho thấy mối quan tâm từ cộng đồng đến việc phát hiện sớm ung thư, ngay từ khi bệnh còn chưa có triệu chứng rõ ràng
Xét nghiệm Galleri - một trong những xét nghiệm nổi bật dựa trên công nghệ phân tích ctDNA. Nguồn: galleri
Ở Anh quốc, chính phủ cũng đang tích cực đẩy mạnh các nghiên cứu về công nghệ MCED. Một nghiên cứu quy mô lớn do Bộ Y tế Anh tài trợ dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026, hứa hẹn cung cấp những dữ liệu quan trọng về hiệu quả của MCED trong việc tầm soát và phòng ngừa ung thư.
Tại Việt Nam, công nghệ MCED dựa trên phân tích ctDNA cũng đang được quan tâm và phát triển. Điển hình là xét nghiệm SPOT-MAS 10, kết quả của sự hợp tác nghiên cứu giữa Viện Di truyền Y học và Gene Solutions. SPOT-MAS 10 tập trung vào việc phát hiện sớm 10 loại ung thư khác nhau, bao gồm các loại ung thư phổ biến như vú, phổi, gan, dạ dày, thực quản, tụy, đường mật, đại trực tràng, tử cung và buồng trứng.
Gần đây, tại hội nghị thường niên năm 2024 của Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ (ASCO), dữ liệu từ nghiên cứu lượng giá lâm sàng K-DETEK đánh giá khả năng phát hiện ung thư sớm thông qua sinh thiết lỏng của xét nghiệm SPOT-MAS đã được báo cáo. Cụ thể, xét nghiệm SPOT-MAS có độ nhạy cao (78,1%) và độ đặc hiệu ấn tượng (99,8%), cho thấy tiềm năng lớn trong việc phát hiện sớm và giảm tỷ lệ tử vong do ung thư. Nghiên cứu K-DETEK được thực hiện trên 9.024 tình nguyện viên khỏe mạnh, là nghiên cứu lượng giá lâm sàng trên 1 xét nghiệm MCED có quy mô lớn nhất được thực hiện tại châu Á.
Xét nghiệm SPOT-MAS có độ nhạy và độ đặc hiệu khá ấn tượng
Thử nghiệm K-DETEK có sự tham gia của 9.024 tình nguyện viên khỏe mạnh. Nguồn ảnh: Gene Solutions
Kết luận
Công nghệ sinh thiết lỏng dựa trên phân tích ctDNA và xét nghiệm MCED đang mở ra một tương lai mới cho lĩnh vực phát hiện sớm ung thư. Với khả năng phát hiện nhiều loại ung thư, bao gồm cả những loại hiện chưa có chương trình sàng lọc, MCED dựa trên phân tích ctDNA chính là một xu hướng mới trong cuộc chiến chống lại căn bệnh nguy hiểm này.
Trong bối cảnh y học không ngừng phát triển, việc cập nhật thông tin về các công nghệ mới như MCED là rất quan trọng. Đặc biệt với những người có nguy cơ cao mắc những loại ung thư chưa có phương pháp sàng lọc, xét nghiệm MCED có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Hãy chủ động tìm hiểu và trao đổi với bác sĩ về các phương pháp phát hiện sớm phù hợp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.